Công tác đấu úng cứu lúa cần triển khai nhanh nhằm giảm thiệt hại

Liên tiếp thiệt hại

“Chỉ cần nắng trong 1-2 ngày tới, chân ruộng khô gặt kịp là cứu được hàng nghìn ha lúa”, ông Hoàng Hưng, nông dân thôn Vĩnh An (Phong Bình, Phong Điền) nói với tâm trạng lo lắng.

Vụ đông xuân năm nay, gia đình ông Hưng xuống giống 1,5ha lúa. Mưa và gió mạnh trong 3 ngày qua làm hơn 1 ha lúa của gia đình ông bị đổ ngã, dự kiến năng suất lúa sẽ giảm từ 30-40%, thậm chí có sào giảm đến 50%. Lúa đã chín vàng nhưng chưa gặt kịp khiến nguy cơ nảy mầm trên ruộng rất cao.

Tại HTX NN Thủy Thanh (xã Thủy Thanh, TX. Hương Thủy), có hơn 100 ha lúa bị đổ ngã và ngập sâu khoảng 0,3m.

Ông Phùng Hữu Thạnh, Giám đốc HTX NN Thủy Thanh cho biết, mấy hôm nay đi thăm ruộng bà con cũng như HTX lo ngay ngáy. Mưa đã 3 ngày chưa dứt, nếu tiếp tục kéo dài thì 100ha/310 ha lúa của HTX có nguy cơ mất trắng hoàn toàn. Đợt mưa trước chưa khắc phục xong, đợt mưa sau lại tiếp diễn. “Hiện tại nông dân đang đối diện với nhiều khó khăn không chỉ do nguy cơ lúa nảy mầm trên ruộng mà còn giá gặt lúa bị ngã đổ trên đồng “đội lên” 40-50 nghìn đồng/sào. HTX đã tháo nước trên ruộng từ rất sớm nhưng nếu trời tiếp tục mưa thì nguy cơ mất trắng có thể xảy ra”, ông Thanh  cho hay.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, do ảnh hưởng không khí lạnh tăng cường,  từ ngày 24 - 25/4, trên địa bàn tỉnh đã có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to, mưa rất to và dông. Lượng mưa phổ biến từ 57-175mm. Đợt mưa lần này tập trung tại khu vực đồng bằng và nội đồng kết hợp với triều cường tiếp tục làm gần 16.000 ha lúa tại các địa phương bị ngã đổ và ngập từ 0,2-0,3m, gây thiệt hại nặng nề. Trong đó, bị thiệt hại nặng nhất là Hương Thủy với 2.600 ha; Quảng Điền 3.000 ha, Phú Vang 3.000 ha...

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở NN&PTNT) cho biết, vụ đông xuân 2019-2020, toàn tỉnh đưa vào gieo cấy khoảng 28.600 ha, năng suất ước tính 62,8tạ/ha. Đến thời điểm hiện tại, diện tích thu hoạch chỉ đạt được khoảng 6.000 ha. Đợt mưa này đã làm ảnh hưởng đến tiến độ, kéo dài thời gian, tăng chi phí thu hoạch và có khả năng làm giảm năng suất của cây lúa. Một số diện tích lúa chín đã thu hoạch nhưng chưa phơi có khả năng bị nảy mầm.

Hai đợt mưa lớn vừa qua, theo tính toán, ước giảm năng suất lúa 15% trên tổng số diện tích gieo cấy, sản lượng bị mất ước 270.000 tấn tương ứng khoảng 150 tỷ đồng. Kinh phí phục vụ tiêu úng cho diện tích bị ảnh hưởng do mưa lớn khoảng 831 triệu đồng.

Nếu tiếp tục có mưa, hàng nghìn ha lúa trên địa bàn tỉnh có nguy cơ mất trắng

Chống úng cứu lúa

Để chủ động chống úng cho lúa đông xuân, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với Công ty TNHH NNMTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh chủ động bơm tiêu nước đệm với diện tích khoảng 4.156ha ở các vùng thấp trũng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là trời vẫn đang tiếp tục có mưa dù lượng mưa có giảm so với những ngày trước khiến công tác triển khai gặt lúa trên đồng gặp khó khăn.

Ông Hồ Đắc Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, để hạn chế thiệt hại về năng suất, sản lượng lúa vụ đông xuân 2019-2020 do ảnh hưởng của mưa lớn và đỗ ngã gây ra, Sở NN&PTNT đã đề nghị các địa phương đối với diện tích bị ngập úng cần khẩn trương huy động lực lượng khơi thông dòng chảy, tiêu nước trong ruộng lúa, không để ruộng lúa bị ngâm nước nhiều ngày, nhằm hạn chế lúa bị mọc mầm và phát sinh nấm gây bệnh như đạo ôn cổ bong, lem lép hạt, khô vằn gây hại nặng ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng gạo; Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh và các HTX tiếp tục đấu úng để bảo vệ diện tích lúa bị đổ ngã và tiêu nước nhanh chân ruộng.

“Biện pháp hiệu quả hiện nay là tranh thủ trời tạnh ráo, tiếp tục tháo nước để gặt nhanh những diện tích còn lại”, ông Thọ nói.

Ngoài ra, yêu cầu các địa phương tiếp tục tổ chức kiểm tra, đánh giá tỷ lệ thiệt hại lúa do ảnh hưởng ngập úng, đổ ngã để có biện pháp khắc phục, hạn chế thiệt hại về năng suất, chất lượng lúa vụ đông xuân 2019-2020 và đôn đốc thu hoạch những diện tích lúa đã chín khi có điều kiện.

Sở NN&PTNT cũng đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT quan tâm hỗ trợ tỉnh trước mắt 1.000 tấn lúa giống (loại Khang Dân 18, HT1, HN6) phục vụ nhân dân gieo sạ vụ hè thu năm 2020.

Về lâu dài, tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy lợi thế vùng, trên cơ sở tăng tỷ trọng các lĩnh vực có lợi thế so sánh; cùng với việc khắc phục khó khăn, tập trung thúc đẩy sản xuất, chuyển đổi hình thức kinh doanh ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để triển khai sản xuất vụ hè thu.

Bài, ảnh: Hà Nguyên