Dự bị tiến sĩ giúp các nghiên cứu sinh tương lai có thể chuẩn bị nền tảng, kỹ năng nghiên cứu khoa học bậc cao (Ảnh minh họa)

Khó vì đầu vào

2 năm qua, vấn đề đầu vào khiến giấc mơ học tiếp của anh Nguyễn Tiến Thuận (cựu học viên Đại học (ĐH) Huế có mong muốn học lên tiến sĩ) chưa trở thành hiện thực. Anh Thuận chia sẻ: “Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ yêu cầu ứng viên phải có bằng tốt nghiệp ĐH loại giỏi trở lên hoặc bằng thạc sĩ; là tác giả 1 bài báo hoặc báo cáo liên quan đến lĩnh vực dự định nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành có phản biện trong thời hạn 3 năm tính đến ngày đăng ký dự tuyển. Đồng thời, phải có một trong những văn bằng, chứng chỉ minh chứng về năng lực ngoại ngữ: Chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 45 trở lên hoặc chứng chỉ IELTS (Academic Test) từ 5.0 trở lên do một tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận cấp trong thời hạn 2 năm, tính đến ngày đăng ký dự tuyển… nhưng thực tế, để đạt tiêu chuẩn trên rất khó”.

Không riêng gì anh Thuận, hạn chế ngoại ngữ đầu vào và yêu cầu bài báo là trở lực của người học trong việc học tiếp chương trình tiến sĩ. Thống kê từ ĐH Huế cho biết, nếu trước đây, mỗi năm có đến hàng chục, thậm chí cả trăm người làm nghiên cứu sinh tại các cơ sở giáo dục thuộc ĐH Huế thì sau Thông tư 08, số người học giảm mạnh, có năm chỉ thu hút 15 – 20 nghiên cứu sinh vì đầu vào khó đáp ứng.

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương phân tích, vấn đề trên xuất phát từ những quy định đào tạo nghiên cứu sinh trước đây đầu vào không quá khó mà chỉ siết đầu ra. Trong khi đó, để đảm bảo chất lượng, việc siết chặt đầu vào tuyển sinh đối với chương trình đào tạo tiến sĩ là cần thiết, nhưng người học chưa có thời gian chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhất là ngoại ngữ và các kỹ năng nghiên cứu bậc cao.

Gỡ khó từ chương trình dự bị tiến sĩ

Trước khó khăn của người học, vừa qua, ĐH Huế ban hành quy định tuyển sinh và đào tạo dự bị tiến sĩ. PGS.TS. Huỳnh Văn Chương chia sẻ: “Thực ra, đây không phải là chương trình mới mà nhiều nước đã áp dụng mô hình đào tạo này. Chương trình dự bị tiến sĩ sẽ giúp bồi dưỡng, hỗ trợ các ứng viên đạt được các yêu cầu trước khi dự tuyển nghiên cứu sinh theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ trình độ ngoại ngữ, năng lực nghiên cứu, bài báo khoa học”.

Trong thời gian không quá 24 tháng, người học được học dự thính chương trình đào tạo tiến sĩ, tham gia các chương trình đào tạo bồi dưỡng tiền tiến sĩ, phương pháp nghiên cứu khoa học, trực tiếp tham gia nghiên cứu khoa học và công bố các bài báo khoa học liên quan đến đề tài nghiên cứu. Theo đại diện Ban Đào tạo và Công tác Sinh viên ĐH Huế, người học sẽ được giới thiệu về trường, khoa để gặp giảng viên hướng dẫn, trực tiếp tham gia công tác nghiên cứu, phát triển bài luận thành đề cương nghiên cứu và tiếp cận các nguồn tài liệu, sử dụng thư viện, các trang thiết bị thí nghiệm phục vụ cho học tập, nghiên cứu khoa học, đặc biệt có thể định hướng, chọn lựa đề tài nghiên cứu để sau này tiếp tục làm đề tài nghiên cứu cho nghiên cứu sinh. “Người học dự bị tiến sĩ cũng được tham gia nhóm nghiên cứu và làm đề tài với các chuyên gia”, PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học – ĐH Huế khẳng định.

Điểm hay là, tuy khoảng thời gian không được tính vào thời gian học tiến sĩ chính chức sau này nhưng có thể giúp người học hoàn thiện, bổ sung các điều kiện còn thiếu để đăng ký dự tuyển nghiên cứu sinh. Đặc biệt, việc chuẩn bị sớm các điều kiện ấy có thể rút ngắn thời gian học tiến sĩ khi theo học chương trình chính thức. “Thông thường, nghiên cứu sinh mất 3,5 – 5 năm, thậm chí có ngành lên đến 6 – 7 năm mới kết thúc quá trình học tập, nghiên cứu. Khi có nền tảng ngoại ngữ để tiếp cận các công trình nghiên cứu quốc tế và nắm vững kỹ năng nghiên cứu bậc cao, có thể rút ngắn thời gian, còn khoảng 2,5 – 3 năm nếu đủ năng lực. Ngoài ra, khi có nền tảng nghiên cứu, sẽ đáp ứng tiêu chí xuất bản 2 bài báo quốc tế nhanh hơn, không phải đợi 2 – 3 năm như trước đây”, PGS.TS. Huỳnh Văn Chương cho biết.

Đại diện ĐH Huế khẳng định, tuy dự bị tiến sĩ không phải là nghiên cứu sinh nhưng để đáp ứng chất lượng, người học vẫn phải trải qua quá trình xét tuyển. Ngoài điều kiện cần có bằng tốt nghiệp ĐH (ngành đúng, phù hợp) loại giỏi trở lên hoặc bằng thạc sĩ (ngành đúng, phù hợp hoặc ngành gần). Nếu bằng tốt nghiệp được cơ sở đào tạo nước ngoài cấp thì phải được thẩm định của Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT để được công nhận dự bị tiến sĩ, ứng viên phải thông qua tiểu ban chuyên môn xét tuyển dựa trên năng lực người học.

Học phí tùy thuộc cơ sở đào tạo

Theo lãnh đạo ĐH Huế, đối với chương trình dự bị tiến sĩ, ĐH Huế không có quy định cụ thể về học phí mà các trường hoàn toàn tự chủ trên cơ sở thống nhất với người học, thậm chí có thể miễn giảm.

Bài, ảnh: Hữu Phúc