Quá trình giãn cách, cách ly xã hội để phòng dịch COVID-19 buộc các nhà hàng, quán ăn, tiệc cưới hỏi… phải ngừng hoạt động, khiến nhiều sản phẩm vật nuôi của người dân (chủ yếu là gà, vịt) không được thu mua thành dôi dư. Giá 1 kg thịt gà thành phẩm có khi chỉ dao động trên dưới 40.000 đồng nhưng vẫn không ai mua.
Trong lúc đó, giá thịt heo thành phẩm thì vẫn rất cao, những loại thịt ngon có ngày lên trên 250.000 đồng/kg. Theo phân tích, giá thịt heo cao có nhiều nguyên nhân. Đó là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, khiến đàn nuôi bị giảm sâu, nguồn cung hạn chế; đồng thời, có sự găm hàng, thao túng giá.
Song, xét theo quy luật thị trường, cái gì đắt quá thì người ta sẽ ít mua và từ đó mà giảm giá xuống cho phù hợp. Vấn đề đặt ra ở đây, tại sao thịt gà, thịt vịt vẫn không cạnh tranh nổi với thịt heo; trong lúc, trước đây nói về độ ngon thì thịt heo đứng sau thịt gà, thịt vịt? Đó là một thực tế.
Nguyên nhân từ chất lượng thịt. Thịt gà, thịt vịt bây giờ phần lớn không còn mùi vị như trước nữa, bở, nhạt nhẽo, rất khó ăn, may chỉ được phần đùi và phần cánh. Điều này thái độ của người tiêu dùng đã thể hiện từ lâu. Ngay cả các chương trình dạy nấu ăn, khi chế biến món thịt gà, người hướng dẫn vẫn luôn lưu ý chọn gà thả vườn (gà kiến) hay được gọi nôm na là “gà đi bộ”. Thực khách vào nhà hàng cũng yêu cầu gà đi bộ, dù đắt đến hơn 300.000 đồng/con họ vẫn chấp nhận.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc chăn nuôi chạy theo số lượng như hiện nay, khiến chất lượng thịt bị giảm sút. Gà, vịt cứ chăn nuôi theo kiểu khép kín, ăn toàn thức ăn tăng trọng, chỉ hơn 2 tháng là xuất chuồng, thì làm sao có được chất lượng thịt thơm và săn chắc.
Và, cách chăn nuôi như thế này khiến sức đề kháng của vật nuôi yếu, rất dễ nhạy cảm với dịch bệnh. Mỗi khi dịch bệnh lây lan, những chuồng trại này thường bị thiệt hại rất lớn.
Theo số liệu, số lượng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh hiện khoảng 4 triệu con, trong đó, chủ yếu là gà, với khoảng 3 triệu con. Thời gian gần đây, một số trang trại, nông hộ đã áp dụng chăn nuôi theo quy trình VietGAP, nuôi thả vườn… đã nâng cao chất lượng thịt và giá trị sản phẩm. Song, trên thực tế thì chưa nhiều; sản phẩm thịt kém chất lượng, tính cạnh tranh thấp vẫn xuất hiện nhiều tại các chợ.
Thời gian cách ly xã hội đang tạm ngưng, các quán ăn, nhà hàng đã hoạt động trở lại, việc tiêu thụ nông sản của người dân cũng có phần dễ hơn. Tuy nhiên, thực tế đặt ra đòi hỏi người chăn nuôi phải thay đổi phương thức sản xuất, để nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm chủ động trong khâu tiêu thụ.
Nuôi gia cầm thả vườn vốn là nghề truyền thống của người dân mình. Truyền thống này cần được khôi phục hợp lý để phát huy giá trị. Giá trị đó không chỉ tạo lợi thế cho người chăn nuôi, mà còn đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, góp phần cân bằng và ổn định giá cả của các mặt hàng khác trên thị trường.
Đặng Thành