Lãnh đạo Sở Công thương khảo sát các trang trại nuôi cá lồng trên sông để liên kết tiêu thụ giúp bà con

Là DN sản xuất hàng dệt may xuất khẩu hoạt động tại Khu công nghiệp Phú Đa, Công ty TNHH MTV Sơn Hà Huế đang đối mặt với nhiều khó khăn khi lượng hàng lớn không thể xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Đơn hàng sản xuất khẩu trang và sản phẩm bảo hộ y tế chỉ đủ duy trì hoạt động trong tháng 4/2020, nhưng đến nay công ty vẫn chưa ký kết được đơn hàng mới.

Chủ tịch công đoàn công ty Lê Văn Khánh thông tin, hiện các đối tác xuất khẩu ở Mỹ và châu Âu phản hồi không tiếp nhận hàng khi dịch COVID- 19 đang diễn biến phức tạp, trong khi đây là 2 thị trường chính nên DN đang trông chờ vào các đơn hàng “ngoài kế hoạch”. Đồng thời, thông qua Sở Công thương để liên kết cung ứng khẩu trang vải kháng khuẩn tiêu thụ trên địa bàn.

Để tháo gỡ khó khăn, giúp các DN dệt may chuyển dịch đơn hàng từ xuất khẩu sang cung ứng nội địa, Sở Công thương đã làm việc với Công ty CP Dệt may Huế và một số DN dệt may trên địa bàn để thực hiện cung ứng khẩu trang vải kháng khuẩn qua các đơn vị như Siêu thị Coop.Mart, Công ty Công ty TNHH Dược phẩm Thuận Thảo, Công ty CP Dược phẩm Mạnh Tý - Việt Mỹ và các địa phương để phục vụ rộng rãi nhu cầu của người dân.

Ngoài ra, triển khai các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản, thủy sản (gà, vịt, cá) cho bà con nông dân tại các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang và TX. Hương Trà trong giai đoạn dịch COVID-19 ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ.

Theo Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh, từ đầu tháng 3/2020 đến nay, sở đã làm đầu mối kết nối với các đơn vị kinh doanh thương mại để dự trữ hàng hóa thiết yếu; vận động các Siêu thị Big C, Coop.Mart, VinMart và các DN thương mại triển khai chương trình “xe lưu động” bán hàng thiết yếu, hàng hóa đang có nhu cầu tăng cao phục vụ nhu cầu dự trữ của người dân, tránh tập trung đông người tại siêu thị, trung tâm thương mại và bình ổn giá.

Qua cập nhật tình hình mua bán tại các siêu thị, chợ truyền thống, hiện tình hình dự trữ, cung ứng các mặt hàng thiết yếu như gạo, mỳ ăn liền tại các DN phân phối lớn luôn dồi dào, đảm bảo cung ứng cho người dân khi nhu cầu tiêu thụ tăng lên gấp 4-5 lần, trong đó Siêu thị Big C tăng 3 lần lượng hàng dự trữ tại kho, Co.opMart Huế tăng 50% và VinMart tăng từ 30 - 50%...

Ông Thanh cho biết, sở đang phối hợp với các sở ngành, địa phương, DN theo dõi diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm, y tế thiết yếu; kịp thời thông tin đầy đủ, chính xác về diễn biến tình hình lưu thông hàng hóa, thị trường, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân.

Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sau dịch COVID-19, Sở Công thương tiếp tục phối hợp, hướng dẫn các DN thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết nhằm đa dạng thị trường xuất khẩu; thông tin cho các DN tham dự hội chợ, triển lãm, hội nghị, giao dịch thương mại... tại các thị trường xuất khẩu tiềm năng nhằm xúc tiến thương mại cho các sản phẩm làng nghề, hàng nông sản, dệt may, công nghiệp hỗ trợ.

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có khoảng 100 DN có ngành hàng xuất khẩu. Qúy I/2020, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 150 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu khoảng 110 triệu USD, giảm 7,3%. Các lĩnh vực ảnh hưởng nhiều là dệt may, sợi, thủy sản, đồ gỗ mỹ nghệ, dăm gỗ…

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG