Sáng kiến mới được thực hiện theo yêu cầu trực tiếp của Tổng thư ký Liên Hiệp quốc António Guterres. Ảnh minh hoạ: THX/TTXVN
Sáng kiến được thực hiện theo yêu cầu trực tiếp đến WHO từ Tổng thư ký LHQ António Guterres để điều phối các phản ứng của tổ chức này đối với dịch bệnh COVID-19.
Nhu cầu lớn hơn gấp 200 lần so với bình thường
Ông Paul Molinaro, Giám đốc phụ trách hoạt động hỗ trợ và hậu cần của WHO cho hay, động thái trên được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện sự thiếu hụt nguồn cung quan trọng chưa từng có trên toàn cầu, giá cả tăng vọt và những lệnh cấm xuất khẩu.
“Nhu cầu rõ ràng gia tăng ở những thị trường này gấp 100 hay 200 lần so với nhu cầu bình thường. Về phía cung ứng, chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều tình trạng ngừng hoạt động trong sản xuất, chúng tôi cũng đã chứng kiến rất nhiều hoạt động kiểm soát xuất khẩu, hệ thống vận tải hàng không quốc tế mà chúng tôi khá phụ thuộc trong việc vận tải hàng hóa cũng dần dần ngừng hoạt động, vì vậy chúng tôi đang ở tại thời điểm cần tìm ra giải pháp cho vấn đề”, ông Paul Molinaro nói thêm.
Là một phần trong nỗ lực chung của LHQ và các đối tác công và tư nhân, sáng kiến được thiết lập để khởi động trong vòng vài ngày, mang đến cho các quốc gia cơ hội để gửi đề nghị nguồn cung thông qua một nền tảng duy nhất.
Điều này sẽ cho phép hệ thống chuỗi cung ứng nhân đạo, “lập kế hoạch và phối hợp phân bổ các nguồn cung quan trọng” cho 135 quốc gia nói trên, những nơi được cho là dễ bị tổn thương nhất, WHO cho biết trong một tuyên bố.
Tập trung vào các hệ thống y tế yếu hơn
Sau khi gióng lên hồi chuông cảnh báo hồi đầu năm nay về mối đe dọa sức khỏe do chủng mới của virus corona (SAR-CoV-2) xuất hiện hồi tháng 12/2019, WHO tuyên bố rằng họ đang đẩy mạnh hỗ trợ cho các quốc gia có hệ thống y tế công cộng -gặp khó khăn.
Đến nay, WHO đã phân phối 1,1 triệu bộ xét nghiệm cho 129 quốc gia và “chúng tôi có 1,5 triệu bộ xét nghiệm khác đang được gửi đi”, ông Paul Molinaro nói; đồng thời cho biết, sáng kiến về chuỗi cung ứng mới sẽ đảm bảo thêm 9 triệu bộ xét nghiệm sẽ được phân phối khi cần thiết.
Ngoài ra, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF) cũng đã vận chuyển vật tư đến 44 quốc gia, bao gồm 1,2 triệu khẩu trang y tế, hơn 320.000 mặt nạ phòng độc, 6,4 triệu găng tay phẫu thuật và hơn 250.000 bộ áo choàng bảo hộ.
Theo WHO, sáng kiến mới đặt mục tiêu mua 75 triệu khẩu trang, 50 triệu mặt nạ phòng độc, 28 triệu găng tay phẫu thuật, 10 triệu tấm chắn che mặt và 3 triệu kính bảo hộ để phân phối. Các cuộc thảo luận với Quỹ Jack Ma về 100 triệu khẩu trang y tế và 1 triệu mặt nạ phòng độc cũng đang diễn ra.
Trong một diễn biến liên quan, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã đưa ra một cảnh báo về sự gia tăng tiềm tàng khổng lồ về tình trạng mất an ninh lương thực ở các quốc gia Đông Phi và Vùng Sừng châu Phi, do hậu quả trực tiếp từ đại dịch.
“WFP ước tính, 20 triệu người hiện đang trong tình trạng mất an ninh lương thực ở nhiều quốc gia trong khu vực, bao gồm: Ethiopia, Nam Sudan, Kenya, Somalia, Uganda, Rwanda, Burundi, Djibouti và Eritrea. Chúng tôi đã thực hiện các dự báo về tình hình ở đó, về số lượng người mất an ninh lương thực, và con số này có thể sẽ tăng lên tới 34-41 triệu người trong 3 tháng tới, do tác động kinh tế xã hội của đại dịch COVID-19”, người phát ngôn của WFP Elisabeth Byrs nhận định.
Tính đến 13h54 phút chiều nay (29/4) theo giờ Việt Nam, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới là 3.146.200 trường hợp, trong đó có 218.139 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm bệnh đã được phục hồi là 961.785 trường hợp. Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tới 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, theo số liệu vừa được cập nhật trên trang Worldometers. |
Lê Thảo (Lược dịch từ UN News & Worldometers)