Mô hình phòng chống dịch của Việt Nam được đánh giá cao. Ảnh minh họa: Thanh Niên

Riêng từng quốc gia, đến đầu tuần này, Singapore là nước có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất ở ASEAN, với 13.624 trường hợp, theo sau đó là Indonesia 8.882 ca và Malaysia 5.780 người xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2...

Có thể nói, phản ứng với dịch bệnh COVID-19 ở Đông Nam Á đang rất khác nhau. Một số nước đạt được thành công, một số khác vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, dựa trên tình hình của các nước, giới chuyên gia nhận định rằng một số chính phủ đã cực kỳ chủ động, nhanh chóng đưa ra chế độ kiểm soát mạnh mẽ, truy tìm dấu vết người bệnh, ngay lập tức tiến hành khoanh vùng, xét nghiệm, cách ly một cách hiệu quả và phù hợp với chi phí của từng quốc gia. Song vẫn có một số nước đã cho thấy dấu hiệu lơ là, cần được thay đổi.

Để nhận xét về mức độ thành công và nỗ lực của các nước trong công tác phòng chống dịch COVID-19 lây lan, có một số tiêu chí quan trọng cần được phân tích và làm rõ:

Quyền lãnh đạo

Mặc dù kinh tế sẽ gặp phải khó khăn và chịu tác động nặng nề trong một thời gian nhất định, song chính phủ một số nước vẫn kiên quyết đóng cửa nền kinh tế, quyết đoán thực hiện các biện pháp kiểm tra sức khỏe cộng đồng, cũng như theo dõi và sẵn sàng đóng cửa mọi ngành nghề, ra lệnh ngưng hoạt động mọi dịch vụ không thiết yếu để đưa đất nước vượt qua đại dịch. Trong đợt dịch đầu tiên, Singapore và Việt Nam là 2 quốc gia đã triển khai tốt chính sách này. Thậm chí, hai nước đã đạt một số thành công nhất định.

Cụ thể, các nhà lãnh đạo đã đưa ra quyết định dựa trên các bằng chứng y khoa và khoa học. Mọi quyết định về sức khỏe cộng đồng đều được dựa trên các bài toán về kinh tế và chính trị ngắn hạn và dài hạn...

Nhìn chung, ứng phó hiệu quả với đại dịch đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện của chính phủ. Các chính phủ có chiến lược toàn diện để lãnh đạo, điều hướng xử lý những vấn đề liên quan đến nguồn cung thực phẩm và sức khỏe cộng đồng, cùng lúc tạo ra các gói kích thích kinh tế trên diện rộng và hành động giảm thiểu suy thoái kinh tế sẽ có thể giành được sự tin tưởng và tuân thủ của dân chúng. Điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp liên bộ hiệu quả.

Minh bạch chính phủ và kết nối với người dân

Các chính phủ xử lý khủng hoảng, giữ kết nối và lãnh đạo người dân một cách minh bạch có xu hướng chiếm được lòng tin của công chúng. Sự tin tưởng lớn hơn sẽ dẫn dắt sự đồng thuận của xã hội nhiều hơn, nhất là khi cả nước được yêu cầu bắt buộc sử dụng khẩu trang, giãn cách xã hội...

Về vấn đề này, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là những “tấm gương về người thực hiện mô hình truyền thông” hiệu quả và minh bạch.

Trong đó, Việt Nam đã và đang giành được rất nhiều lời khen ngợi từ các quốc gia khác về sự đa dạng trong cách thức kiểm soát dịch bệnh này. Đương nhiên, truyền thông tốt được thể hiện ở nhiều mặt, không chỉ kể đến sự lan truyền những điệu nhảy trên ứng dụng TikTok và bài hát rửa tay hấp dẫn.

Sự chuẩn bị

Từ sau đại dịch SARS vào năm 2003, các nhà dịch tễ học và nhiều nhà nghiên cứu về virus đã cảnh báo thế giới về nguy cơ bùng phát một đại dịch nguy hiểm với khả năng lây nhiễm nhanh và có thể lây từ động vật sang người. Qua nhiều dịch bệnh như tả lợn châu Phi, cúm H1N1, MERS... các nước đều đã có kinh nghiệm đối phó với đại dịch. Tùy vào từng quốc gia, các nước sẽ có những cách chuẩn bị, đối phó khác nhau.

So với các nước khác, cần phải nhìn nhận rằng hệ thống y tế của Việt Nam khá thô sơ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được ca ngợi về những hành động dứt khoát, đúng đắn và chi tiêu đúng chỗ, đúng thời điểm để phòng chống COVID-19. Điều này được thực hiện rõ nhất kể từ khi xác nhận có ca nhiễm, Việt Nam đã triển khai hơn 200.000 mẫu xét nghiệm, tương đương cứ 2,1 xét nghiệm trên 1.000 người. Ngược lại, tính đến ngày 19/4, con số này ở Indonesia chỉ đạt tổng cộng 50.000 xét nghiệm, tức chỉ đạt tỷ lệ 0,00015%. Vì vậy, không quá bất ngờ khi tỷ lệ nhiễm bệnh và lây lan của Việt Nam được kiểm soát tốt hơn so với Indonesia. Đáng mừng là bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất cũng vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận đạt chuẩn, tạo điều kiện để sản phẩm có thể lưu hành ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Việt Nam trên cương vị là Chủ tịch ASEAN

Ở một khía cạnh khác, với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam không chỉ đối phó hiệu quả với đại dịch mà còn hỗ trợ nhiều quốc gia trên thế giới chống lại khủng hoảng sức khỏe toàn cầu này, chứng minh tinh thần trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Trong đó, Việt Nam đã quyên góp một số lượng lớn thiết bị, vật tư y tế cho Lào, Campuchia, cũng như phân phối bộ xét nghiệm COVID-19 cho Indonesia. Bên cạnh các quốc gia trong khu vực, Việt Nam cũng tặng đến 650.000 khẩu trang y tế cho 6 quốc gia châu Âu đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh gồm Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy, Anh và Thụy Điển... Nhà báo Prashanth Parameswaran khẳng định rằng, sự hỗ trợ này từ phía Việt Nam đã làm nổi bật mối quan hệ Việt Nam – EU trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành.

Cùng chung ý kiến tán thành và đánh giá cao chuỗi hành động của Việt Nam, ông Derek Grossman, chuyên gia phân tích quốc phòng cao cấp thuộc tập đoàn RAND Corporation có trụ sở ở Mỹ đánh giá “cách xử lý của Việt Nam trong đại dịch cũng như chính sách ngoại giao của nước này trong giai đoạn khủng hoảng sẽ làm tăng giá trị của Việt Nam trên trường quốc tế”.

Có thể nói rằng, khi dịch bệnh bùng phát, các quốc gia Đông Nam Á đều đã và đang triển khai những kế hoạch riêng để chống lại đại dịch, từng bước kiểm soát tình hình và hướng đến khôi phục nền kinh tế, bình thường hóa cuộc sống cho người dân. Đương nhiên, một số quốc gia đã đạt được thành công, song cũng có các nước đối mặt với hậu quả do những chính sách không đúng đắn, dẫn đến số ca nhiễm và tử vong tăng cao khó kiểm soát. Trong một khẳng định mới, lãnh đạo của các tổ chức quốc tế cho rằng, đỉnh dịch vẫn đang ở phía trước, và các nước vẫn cần quyết liệt trong công tác triển khai biện pháp đối phó hiệu quả.

HẠNH NHI

(Lược dịch từ Worldmeters, The Diplomat, CNA & Financial Times)