Chính sách tín dụng của các ngân hàng góp phần tích cực trong phát triển kinh tế

Hiện trên địa bàn có 26 ngân hàng, trong đó 24 NHTM, 1 Ngân hàng Chính sách xã hội, 1 Ngân hàng Phát triển. Đó là chưa tính các phòng giao dịch của các NHTM và 7 quỹ tín dụng nhân dân...

Không chỉ đa dạng loại hình “nhà băng”, bản thân các tổ chức tín dụng đang dần thay đổi theo hướng đa dạng dịch vụ nhằm tiếp cận khách hàng trong bối cảnh cạnh tranh về thị phần tín dụng. Bên cạnh các giải pháp tài chính truyền thống như cho vay và huy động vốn, các ngân hàng tăng cường đầu tư công nghệ, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ và chương trình khuyến mãi để tăng tính cạnh tranh cũng như mở rộng thị trường.

Chỉ tính riêng dịch vụ ngân hàng điện tử, các ngân hàng đã có cuộc đua giảm phí giao dịch nhằm tăng tính cạnh tranh.

Nếu như gần đây, NHTM cổ phần Ngoại Thương (Vietcombank) áp dụng giảm phí giao dịch điện tử từ 7.700 đồng/giao dịch xuống còn 5.500 đồng/giao dịch thì NHTM cổ phần Xuất nhập khẩu (Eximbank) triển khai miễn phí cho các giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7. NHTM cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) triển khai giảm phí cho khách hàng từ 12.000 đồng/giao dịch xuống còn 10.000 đồng/giao dịch. NHTM cổ phần Đầu tư&Phát triển (BIDV) áp dụng giảm phí chuyển tiền từ 7.000 đồng xuống còn 2.000 đồng/giao dịch

Đơn cử về phí dịch vụ chuyển tiền thông qua ngân hàng điện tử của 4 NHTM để thấy các nhà băng đang có sự cạnh tranh khá khốc liệt.

Anh Đặng Xuân Thanh, ở thành phố Huế chia sẻ: Nếu trước đây trên địa bàn chỉ có một vài ngân hàng, khách hàng đồng nghĩa chỉ có một hoặc vài sự lựa chọn thì nay cơ hội ấy mở ra rất nhiều.

Chính sách tín dụng của mỗi ngân hàng cũng có sự “vận dụng linh hoạt” khác nhau. Các sản phẩm dịch vụ ngân hàng phong phú đa dạng và mỗi ngân hàng sẽ có thế mạnh riêng nên khách hàng có nhiều lựa chọn.

“Nếu thuộc đối tượng chính sách, khách hàng ưu tiên, tôi sẽ tìm đến Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển. Nếu vay vốn để kinh doanh, tôi sẽ lựa chọn Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank”, anh Thanh nói.

Trong cuộc đua về sản phẩm dịch vụ, các ngân hàng đang dần chuyển sang mô hình kinh doanh số, cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số đáp ứng nhiều hơn nhu cầu ngày càng cao cũng như tiện ích cho khách hàng.

Tại Agribank, bên cạnh các kênh phân phối truyền thống, ngân hàng này còn đẩy mạnh các kênh phân phối ngân hàng số, nâng cấp toàn bộ hệ thống ATM, EDC/POS chấp nhận thanh toán thẻ chip. Agribank đầu tư, trang bị hệ thống cơ sở hạ tầng, phát triển mạnh các phương thức thanh toán điện tử, rút tiền bằng mã (Cash by Code) tại ATM, dịch vụ thanh toán QR Code…

Không những các NHTM, ngay cả Ngân hàng Chính sách xã hội gần đây cũng có những chính sách tín dụng phù hợp với các đối tượng khách hàng của mình.

Theo ông Văn Đức Thọ, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, nguồn vốn tín dụng chính sách thời gian qua đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Trong đó, tập trung ưu tiên cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới...

Đối với các hộ bị thiệt hại do dịch bệnh, Ngân hàng Chính sách xã hội bổ sung nguồn vốn để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn khôi phục sản xuất.

Ngân hàng Chính sách xã hội đang thực hiện hơn 20 chương trình tín dụng chính sách cho nhiều đối tượng góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước Thừa Thiên Huế, đa dạng dịch vụ tài chính, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng nhưng nhìn chung hoạt động ngân hàng vẫn được kiểm soát nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, an toàn, hiệu quả.

Với vai trò quản lý nhà nước của mình, cơ quan này yêu cầu các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp gắn với triển khai các cơ chế chính sách, tập trung vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm và có thế mạnh của tỉnh. Đồng thời, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Đến tháng 3/2020, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 49.400 tỷ đồng, tăng 2,3% so với đầu năm; dư nợ tín dụng đạt 50.700 tỷ đồng, tăng 0,3% so với đầu năm.

Bài, ảnh: HOÀNG ANH