Ngày 22/4 vừa kết thúc ba tuần cách ly thì phố phường, quán xá nhiều nơi đã nhanh chóng tấp nập trở lại, trước cả khi Chính phủ ban hành chỉ thị mới cùng với quy định cụ thể việc nới lỏng giãn cách xã hội của chính quyền các tỉnh. Đó là trạng thái bung ra của chiếc lò xo bị nén lâu ngày. Sự mong mỏi được trở lại với nhịp sinh hoạt bình thường, được làm ăn kiếm sống của người dân và doanh nghiệp sau những ngày dài “ngủ đông”cũng có thể cảm thông. Nhưng đồng thời cũng rất đáng lo ngại.

Bộ Y tế cảnh báo tình hình dịch bệnh hiện tại chỉ là tạm lắng, bởi vì đợt sóng thứ hai vẫn đang đe dọa trước mắt. Có thể đang có một số trường hợp người lành mang virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng nhưng chưa phát hiện, vì không có triệu chứng lâm sàng hoặc triệu chứng rất đơn giản. Tức là mầm bệnh vẫn đang tiềm ẩn trong cộng đồng, nên dịch bệnh có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.

Vì vậy, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 19 với tinh thần “sống chung an toàn với dịch bệnh”. Thủ tướng xác định mọi người dân, mọi cơ quan, đơn vị đều phải thích nghi với trạng thái “bình thường mới” cho đến khi có vắc-xin và thuốc đặc trị virus SARS-CoV-2. Phải chấp nhận sống trong trạng thái có dịch và chuyển sang giai đoạn chống dịch lâu dài, căn cơ hơn. Vừa chống dịch vừa phải phát triển kinh tế-xã hội.

Vậy là cuộc sống đã từng bước bình thường trở lại, nhưng không như trước đó nữa. Từ nay, phải chia tay nhiều thói quen cũ và buộc phải thích nghi với những thói quen mới. Nếu không có công việc cần thiết thì vẫn nên ở nhà để giảm bớt lượng người ngoài phố, nơi công cộng. Ra đường, vào quán, đến cơ quan cũng chủ động giữ khoảng cách cần thiết. Chiếc khẩu trang sẽ theo ta trên mọi nẻo đường đến công sở, vào trường học, lên xe, xuống tàu, cho đến khi về lại nhà. Các văn phòng công ty, nhà máy, xí nghiệp hoạt động trở lại, nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch bệnh...

Có nghĩa là chúng ta phải tiếp tục sống và làm việc bình thường, nhưng là một sự “bình thường mới”. Bình thường mới chứ không phải là bất thường. Có lẽ đây là một trạng thái sống mà ngay trong thời chiến tranh cũng không có. Vì trong chiến tranh, con người chủ yếu nỗ lực giữ an toàn tính mạng, còn trạng thái “bình thường mới” vừa đòi hỏi an toàn vừa phải phát triển. Một đòi hỏi rất gắt gao nhưng không thể khác hơn. Nếu nhìn theo góc độ tích cực thì COVID-19 cũng không phải chỉ mang lại điều tồi tệ, mà cuộc sống chung an toàn với bệnh dịch đó đã tạo ra cho con người những thói quen tốt, và thúc đẩy cộng đồng làm việc gấp đôi, gấp ba lần bình thường.

Các chuyên gia y tế cho rằng trạng thái “bình thường mới” sẽ duy trì cho đến khi có vắc-xin và thuốc đặc trị virus SARS-CoV-2. Nhưng thực tế cho thấy, trạng thái đó còn phải duy trì lâu hơn nữa, ngay cả khi đã có vắc-xin phòng bệnh và thuốc chữa bệnh. Vì tiêm chủng đại trà cho số đông là việc đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Và, khi SARS-CoV-2 không còn gây bệnh dịch nữa, nó sẽ được khống chế, trở thành một mầm bệnh thông thường, thì rất có thể sẽ ra đời một biến thể coronavirus khác, hoặc một thứ bệnh dịch mới, như đã từng xảy ra...

Vì vậy, điều quan trọng nhất là con người phải nâng cao sức đề kháng, cả thể chất lẫn tinh thần, để có khả năng thích ứng với mọi trạng thái “bình thường mới” sẽ còn diễn ra. Nội lực đó sẽ giúp cho họ sống tự tin, an lành, thuận tự nhiên, hợp đạo lý, đúng phép tắc xã hội. Hay nói cách khác, đó chính là lối sống xanh mà ai đã sống trong môi trường xứ Huế, nhất là những ngày dịch bệnh vừa qua, sẽ thấy rất rõ giá trị của thiên nhiên tươi xanh, phố phường sạch sẽ.

MINH DÂN