Thiệt hại kinh tế thì chắc hẳn ai cũng biết. Mọi hoạt động kinh tế dường như đình đốn và bị ảnh hưởng. Nhưng con số thiệt hại kinh tế của Thừa Thiên Huế là bao nhiêu. Chúng ta thử tính toán nó như thế nào?

Trước tiên nên biết con số này. Quy mô nền kinh tế của Thừa Thiên Huế khoảng trên dưới 30.000 tỷ đồng. Con số cụ thể GRDP của năm 2019 là 31.330 tỷ đồng. Dự kiến năm 2020 tốc độ tăng trưởng vào khoảng 7,5 -8%.

Lĩnh vực bất động sản ít có giao dịch hơn do dịch COVID-19

Mọi hoạt động kinh tế từ đầu năm đến nay bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh. Tình hình dịch bệnh chưa dừng lại tại đây và còn diễn biến phức tạp. Khi dịch bệnh chấm dứt (chưa biết khi nào) thì tình hình kinh tế vẫn chưa thể phục hồi ngay được. Như vậy, chúng ta có thể thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 7,5 -8% là khó đạt được, nếu không muốn nói là chắc chắn không đạt được. Một dự báo đưa ra hồi tháng trước, tốc độ tăng trưởng của Thừa Thiên Huế năm nay có thể chỉ đạt 6,8%. Con số này đưa ra trong bối cảnh Thừa Thiên Huế không có ca COVID-19 nào và cả nước chỉ ở con số 16 ca, không phát sinh bệnh nhân mới kéo dài trong nhiều ngày. Giờ thì đã khác.

Trong quy mô nền kinh tế của Thừa Thiên Huế, lĩnh vực du lịch dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất và cũng có tốc độ tăng trưởng nhanh. Ước tính ngành dịch vụ (nói chung) chiếm hơn 51% trong cơ cấu nền kinh tế, trong đó riêng dịch vụ du lịch chiếm khoảng 30 -40%. Trong tình hình hiện nay, chúng ta thấy ngay lĩnh vực dịch vụ nói chung và dịch vụ du lịch nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nghĩa là nền kinh tế Thừa Thiên Huế cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hơn 10.000 tỷ đồng  (lấy con số tỷ trọng là 40%) nằm yên, dòng tiền không được lưu chuyển thì chúng ta thấy, sức tàn phá của dịch bệnh lần này là như thế nào. Tất nhiên con số nêu trên là tính cả năm chứ không phải bây giờ. Nếu tình hình dịch bệnh chấm dứt sớm, kinh tế phục hồi trở lại thì mức độ ảnh hưởng sẽ thấp hơn.

Các lĩnh vực kinh tế khác cũng bị ảnh hưởng chứ không riêng gì dịch vụ. Công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 38%. Hiện nay, nhiều công trình xây dựng đình đốn; nhiều nhà máy khó khăn trong hoạt động; 80% kim ngạch xuất nhập khẩu của Thừa Thiên Huế là ngành dệt may, tình trạng đứt nguồn cung nguyên liệu và khó khăn trong đầu ra… đã làm cho độ khó khăn của nền kinh tế tăng thêm lên.

Trong bối cảnh như vậy, có lẽ một ngành ít bị ảnh hưởng nhất là nông nghiệp. Lĩnh vực nông nghiệp của Thừa Thiên Huế (nông – lâm – ngư nghiệp) chiếm nhỉnh hơn 10% trong cơ cấu kinh tế. Ngành nông nghiệp cũng tạo ra một tỷ trọng rất thấp trong xuất nhập khẩu nên chúng ta thấy nó ít bị tác động!? Có lẽ câu nói dân gian hồi xưa phù hợp trong bối cảnh này: “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông nhất nông nhì sĩ !”.

Còn ngành nào bị tác động nhiều nhất? Phải chăng đó là ngành ngân hàng.

Thông thường, trong hoạt động của doanh nghiệp, nguồn vốn vay chiếm khoảng 60 -70%. Gần như tuyệt đối doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế là quy mô vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Trong điều kiện bình thường khối doanh nghiệp này đã khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, nay lại càng khó hơn. Có nghĩa là ngành ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Giả sử 70% vốn vay là từ các doanh nghiệp có quy mô tương đối, nay khối này bị ảnh hưởng nặng nề hơn khối doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cho nên chuyện có tiếp tục cho vay nữa hay không, chuyện khoanh nợ, giãn nợ, thu hồi nợ, tính chuyện lãi suất… cũng làm cho ngành ngân hàng “đau đầu”!

Bài: LÊ PHƯƠNG - Ảnh: HOÀNG LOAN