Các lệnh phong toả ở châu Âu khiến chất lượng không khí được cải thiện. Ảnh: VOV

Các nhà nghiên cứu đã suy luận dựa trên những tác động mà ô nhiễm không khí có thể tạo ra, như khả năng gây bệnh hoặc làm tình hình bệnh trở nên nghiêm trọng hơn của không khí ô nhiễm. Thực tế, tình trạng ô nhiễm không khí đã giảm đáng kể khi hàng trăm triệu người phải ở nhà trong những tuần qua. Lauri Myllyvirta, nhà phân tích chính tại Trung tâm nghiên cứu về năng lượng và không khí sạch (CREA) – người thực hiện nghiên cứu cho biết, chất lượng không khí hiện nay có thể tương đương với việc mọi người dân ở châu Âu ngừng hút thuốc trong một tháng.

"Phân tích của chúng tôi nhấn mạnh đến những lợi ích to lớn đối với sức khỏe cộng đồng và chất lượng cuộc sống có thể đạt được bằng cách giảm nhanh lượng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch một cách bền vững", bà Myllyvirta nêu rõ, với những dẫn chứng rằng, những lợi ích sức khoẻ đạt được ở Đức, Anh và Italy tương đương với việc có thể hạn chế đến hơn 1.500 ca tử vong sớm ở mỗi quốc gia.

Theo CREA, tính trung bình, người dân châu Âu trong 30 ngày qua (tính đến ngày 24/4) đã tiếp xúc với nồng độ nitơ dioxide thấp hơn 37% so với mức thông thường. Lượng khí thải được tạo ra từ giao thông, công nghiệp và sưởi ấm bằng than đã giảm hơn 12% so với mức bình thường, bao gồm 21 quốc gia châu Âu.

Việc ô nhiễm không khí sụt giảm dự kiến cũng có thể làm giảm khoảng 6.000 trường hợp mắc bệnh hen suyễn mới ở trẻ em, CREA cho biết. Đồng thời, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng việc tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm trước đại dịch có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bệnh tiểu đường, viêm phổi, bệnh tim và ung thư - tất cả những bệnh nền làm tăng nguy cơ tử vong cho bệnh nhân mắc COVID-19.

"Đến nay, những gì chúng ta có thể nói là có sự liên quan giữa các vấn đề do ô nhiễm không khí và những điều làm tăng nguy cơ tử vong do COVID-19", Sara De Matteis, giáo sư tại Đại học Cagliari của Italy và là thành viên của Ủy ban sức khỏe môi trường của Hiệp hội hô hấp châu Âu khẳng định. 

Theo cơ quan môi trường EU, ô nhiễm không khí gây ra hơn 400.000 ca tử vong sớm hàng năm tại Liên minh châu Âu gồm 27 quốc gia thành viên và Vương quốc Anh – một cựu thành viên của EU.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)