Nhiều cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hoá hình thành phục vụ chất lượng cuộc sống

Thành tựu về hạ tầng 

Những năm 1990-1991, sau khi chia tỉnh, tỷ lệ điện chiếu sáng sinh hoạt đạt rất thấp. Chỉ trung tâm thành phố và một vài trung tâm huyện, thị mới được ưu tiên có đường lưới điện đưa về, được câu nối vào nhà dân.

Sau 45 năm thống nhất đất nước và 30 năm tái lập tỉnh, ngành điện Thừa Thiên Huế từ chỗ chỉ cung cấp lưới điện cho nhu cầu sinh hoạt của người dân TP. Huế, vùng đô thị thì nay lưới điện đã được phủ sóng rộng khắp các vùng nông thôn, miền núi. Đến nay, tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã có điện và hơn 99,98% số hộ nông thôn miền núi được sử dụng điện. Điện lưới phục vụ sản xuất cũng được đáp ứng đảm bảo 100%.

Hệ thống cung cấp nước sạch, nước máy vươn rộng từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã xoá cảnh thiếu nước, khát nước và sử dụng nước không hợp vệ sinh của người dân kể từ nhiều năm nay. Hiện, tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh toàn tỉnh đạt xấp xỉ 100%. Với 67 nhà máy cấp nước sạch và công trình cấp nước tập trung có công suất thực tế hoạt động 233.170m3/ngày đêm, trong đó, Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế quản lý 31 nhà máy cấp nước sạch đạt 228.170 m3/ngày đêm (bằng 98% tổng lượng nước) đưa tỷ lệ cấp nước sạch (theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế) cho người dân đô thị đạt gần 100% và vùng nông thôn đạt 85%.

Chọn con đường phát triển bền vững, Thừa Thiên Huế chú trọng vào xanh hoá đô thị, phát triển du lịch xanh, đầu tư hoàn thiện dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế để thu gom, xử lý nước thải, thu gom xử lý rác thải khu vực đô thị đạt gần 96%, lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo... Đến nay, Huế là đô thị có mật độ cây xanh cao nhất cả nước, đạt 13,5m2/người, với hơn 64.000 cây xanh trên đường phố, công viên và nhiều thảm xanh khác. Độ che phủ rừng toàn tỉnh nâng lên 57,5%, cao hơn tỷ lệ chung cả nước 15,5%.

Ngoài tạo không gian sống xanh và tập trung phát triển toàn diện hạ tầng phục vụ nhu cầu thiết yếu đời sống dân sinh, hệ thống mạng lưới giao thông đối ngoại và giao thông kết nối các trung tâm đô thị vùng được mở rộng. Hạ tầng thủy lợi, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng công nghiệp, công cộng, văn hóa, y tế, giáo dục đào tạo, thông tin và truyền thông, khoa học công nghệ tiếp tục được đầu tư quy mô, trọng điểm.

Kết nối văn hoá và con người

Khi nói đến cái được và khác biệt của Huế trong khoảng hai năm trở lại đây, ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh cho rằng, trước hết đó là thay đổi tư duy quản lý của các cấp, từ hành chính sang phục vụ. Chính quyền địa phương cũng xây dựng một chiến lược cụ thể trên nền tảng phát triển bền vững. Trong đó, ưu tiên phát triển công nghệ thông tin, du lịch xanh, sản xuất sạch với nhiều quy định về sản xuất kinh doanh được đưa ra theo tiêu chuẩn xanh...

Tư tưởng quản trị này sẽ là định hướng cho các nhà đầu tư đi theo, nhằm tránh sự lệch pha trong ý đồ phát triển xanh, an toàn của tỉnh.

Để xây dựng Huế thành thành phố đặc trưng và đặc sắc, định hướng của tỉnh là phát triển nhanh dựa vào nền tảng tri thức và phát triển bền vững dựa vào nền tảng văn hoá. Kết hợp hai nền tảng này dù có thể mất nhiều thời gian, nhưng bù lại, tỷ lệ thành công và con đường đưa Huế trở thành trung tâm ứng dụng, sáng tạo, phát triển và vươn ra toàn cầu sẽ thành hiện thực.

Để làm được cần nhiều chương trình mang tính dẫn dắt, thay đổi đột phá. Mà những định hướng của tỉnh đang tập trung làm là phát triển ngành công nghiệp CNTT với việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gồm 10.000 người làm việc trong lĩnh vực CNTT đến năm 2025.

Có nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin tốt sẽ tạo ra những bước đi đúng, vững chắc, là nơi để thu hút các nhà đầu tư quan tâm, tiếp cận vào các lĩnh vực về CNTT, y tế chuyên sâu, du lịch...

Việc thành lập Trung tâm Khởi nghiệp - Đổi mới - Sáng tạo của tỉnh nhằm tập trung đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để cùng chính quyền tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Huế. Trong đó bắt tay, kết nối giữa 3 thành tố: cơ sở đào tạo (hệ thống giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học) - chính quyền - doanh nghiệp để hình thành một hệ sinh thái ươm mầm, nuôi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực tốt cho địa phương.

Theo ông Cung Trọng Cường, sự đầu tư cho lĩnh vực phát triển trí tuệ, sáng tạo không đắt đỏ, nhưng có thể mất 5 năm, 10 năm để có kết quả. Một khi tạo được nguồn nhân lực tốt, việc làm thu nhập cao thì quay ngược lại địa phương có đủ và tự chủ nguồn lực tài chính để tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại hơn. Khi điều kiện kinh tế giàu lên, người dân sẽ có nhu cầu thưởng lãm, hưởng thụ các bộ môn nghệ thuật. Lúc đó, với điều kiện, nền tảng sẵn có về văn hoá, con người, môi trường của Huế, ngành công nghiệp văn hoá càng có cơ hội phát triển và khơi nguồn tư duy sáng tạo, khác biệt và tạo ra sự phát triển bền vững, đặc trưng.

Bên cạnh những chiến lược dài hạn, tỉnh cũng triển khai đan xen những chương trình kinh tế ngắn hạn, trung hạn, những chiến lược đệm. Trong đó kêu gọi các dự án đầu tư và triển khai có khối lượng, đảm bảo phát triển bền vững, nói không với những dự án ảnh hưởng đến môi trường.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG