Vợ chồng bà Tùng chăm sóc vườn hoa màu

Hơn 21 giờ, phần lớn những ngôi nhà nơi núi rừng đã chìm vào giấc ngủ. Thế nhưng phía cuối con đường hẹp, gần bờ suối, khu vườn rộng của vợ chồng bà Tùng, ông Chiến vẫn sáng đèn.

Người đàn ông tuổi đã ngoài 60, gầy nhưng rắn rỏi bảo, vợ chồng ông vừa mới rời cái cuốc, rời vườn. Thắp điện không cho cây ngủ, vợ chồng ông đang “kích” cho hoa cúc nở kịp, nở đúng dịp để bán dịp rằm, mùng 1 âm lịch mỗi tháng. Đó là thời điểm hoa bán được số lượng nhiều và được giá.

“Cây không ngủ, người cũng không ngủ. Cặm cụi cuốc, xới hay bắt sâu cho hoa, cho rau đến tận 12 giờ khuya, rồi 3 giờ rưỡi sáng đã thức dậy đưa rau đến chợ A Lưới, là chuyện thường ngày của vợ chồng tôi...”, ông Chiến trải lòng với nụ cười mộc mạc.

Hơn 10 năm trước, vợ chồng bà Tùng, ông Chiến làm ăn ở quê vợ là tỉnh Sóc Trăng. Chuyện làm ăn không may mắn, thậm chí vợ chồng ông Chiến, bà Tùng còn lâm vào cảnh nợ nần mấy trăm triệu đồng. Năm 2007, hai vợ chồng thuê nhà ở, khai hoang lập vườn. Ban đầu, là mượn của người họ hàng 100 nghìn đồng, đi mua hạt giống cải, hành, ngò... Khi gà còn ngủ họ đã thức dậy và khi gà đã vào chuồng, họ còn ở ngoài vườn.

Đất đã không phụ những giọt mồ hôi đổ xuống, vườn rau của vợ chồng bà Tùng, ông Chiến, mùa nào rau nấy, nào đậu cô ve, cải, xà lách, dưa leo, cà, ớt, hành, ngò..., bao giờ cũng xanh tươi. Ngày nào nhà cũng có rau đưa ra chợ thị trấn A Lưới, vừa bỏ mối, vừa bán lẻ.

Ông Đoàn Thanh Hùng, Bí thư Đảng ủy thị trấn A Lưới cho biết: Đất mà vợ chồng bà Tùng, ông Chiến sản xuất là đất biến động (ở gần khe, sông, suối) do UBND thị trấn quản lý, không thể cấp “sổ đỏ”, nhưng tạo điều kiện cho người dân sản xuất, làm ăn, phát triển kinh tế. 

Cách đây 4 năm, vợ chồng họ bắt tay trồng hoa cúc. Bình thường, chỉ trồng vài nghìn cây để bán dịp rằm, mùng 1 âm lịch mỗi tháng. Riêng mỗi vụ tết, trồng vài chục nghìn cây, thu lãi khoảng 20 triệu đồng/vụ. Năm 2018, đôi vợ chồng nông dân thử nghiệm trồng hoa ly, hoa tuy lip, là những loại hoa cao cấp, nếu “trúng” sẽ cho thu nhập cao.

“Vụ hoa ly đầu tiên, hoa đẹp, nhưng nở sớm trước thời điểm phục vụ thị trường tết 15 ngày, nên bán không chạy. Hoa tuy lip lại trúng. Tiền lãi từ hoa cúc, hoa ly, hoa tuy lip vụ tết năm 2018 tổng cộng được 60 triệu đồng. Từ kinh nghiệm có được, vụ tết năm 2019, chúng tôi đã thắng lợi trong trồng hoa ly”- vợ chồng bà Tùng kể.

Năm 2017, khi bắt đầu trồng các loại hoa cao cấp, gia đình bà Tùng được UBND huyện A Lưới hỗ trợ 17 triệu đồng để làm nhà kính. Qua “kênh” hội phụ nữ, bà Tùng vay Ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng, đồng thời vay mượn thêm để làm nhà kính hơn 100 triệu đồng.

Bà Tùng bộc bạch, không chỉ dồn tâm huyết, bỏ công sức mà còn phải dám mạnh dạn đầu tư, bền lòng “theo đuổi”, mới có thành công và hiệu quả.

“Có lúc, hoa không có lãi, vợ chồng tôi bán heo, được 4-5 chục triệu đồng để trả nợ vay. Có thời điểm vợ chồng tôi nuôi gần 60 con heo. Cứ chịu thương chịu khó, nỗ lực lao động sản xuất, tin rằng cuộc sống sẽ ngày càng tốt đẹp”, bà Tùng lại nở nụ cười.

Qua bao năm miệt mài, vợ chồng bà Tùng trả hết nợ nần, xây dựng được cuộc sống ổn định, và quan trọng hơn cả là đã “gieo trồng” vào tâm hồn tình yêu đối với lao động. Bà Tùng được Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trên các lĩnh vực giai đoạn 2014-2019.

Bài, ảnh: THÙY CHI