Các nhà lãnh đạo thế giới đặt mục tiêu dành khoảng 4 tỷ euro cho hoạt động nghiên cứu vắc-xin chống lại COVID-19. Ảnh minh hoạ: THX/TTXVN
“Chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ, chúng tôi đã cùng nhau cam kết 7,4 tỷ euro (tương đương 8,07 tỷ USD) cho vắc-xin, chẩn đoán và điều trị chống lại dịch bệnh COVID-19. Điều này sẽ giúp khởi động một sự hợp tác toàn cầu chưa từng có", bà Ursula von der Leyen khẳng định.
Các nhà lãnh đạo thế giới cũng nhấn mạnh rằng, đây chỉ là khởi đầu của một nỗ lực cần phải được duy trì theo thời gian để đánh bại dịch bệnh này.
Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến, Tổng thư ký Liên Hiệp quốc (LHQ), ông Antonio Guterres nói rằng, mục tiêu 7,5 tỷ euro (tương đương 8,2 tỷ USD) đang được tìm kiếm để giúp tìm ra một loại vắc-xin chống lại virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra dịch bệnh COVID-19, những phương pháp điều trị mới và các xét nghiệm tốt hơn đối với dịch bệnh này.
"Để tiếp cận được tất cả mọi người, ở mọi nơi, chúng ta có thể cần gấp 5 lần con số đó", ông Antonio Guterres nói thêm.
Người dân ở nhiều quốc gia trên toàn cầu, và đáng chú ý là ở khu vực châu Âu trong tuần này đang thận trọng quay trở lại công việc, nhưng chính quyền vẫn cảnh giác với làn sóng bùng phát thứ 2.
"Thực tế là chúng ta sẽ phải học cách sống với virus cho đến khi và trừ khi chúng ta phát triển được một loại vắc-xin. Sẽ cần nhiều hơn nữa. Vì vậy, hôm nay chỉ là sự khởi đầu của một cuộc chạy đua cam kết toàn cầu", Chủ tịch Ủy ban châu Âu nhận định, khi bà tuyên bố cam kết 1 tỷ euro từ cánh tay điều hành của EU.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho rằng, "một cuộc chạy đua với thời gian đang diễn ra", ông thay mặt nước Pháp đóng góp 500 triệu euro.
Bên cạnh nhiều nhà lãnh đạo châu Âu, các nhà lãnh đạo quốc gia và Chính phủ từ Australia, Canada, Israel, Nhật Bản, Jordan, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ… cũng tham dự sự kiện trực tuyến nói trên.
Mục đích của hội nghị trực tuyến là tập trung khoảng 4 tỷ euro (tương đương 4,37 tỷ USD) dành cho nghiên cứu vắc-xin, khoảng 2 tỷ euro dành cho các phương pháp điều trị và 1,5 tỷ euro (tương đương 1,64 tỷ USD) dành cho các xét nghiệm.
Thủ tướng Anh Vladimir Johnson nhấn mạnh: "Cuộc chạy đua để tìm ra vắc-xin đánh bại loại virus này không phải là một cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia, mà là nỗ lực chung được chia sẻ cấp bách nhất trong cuộc đời của chúng ta".
Trong số các khoản đóng góp lớn hơn, Nhật Bản đã cam kết hơn 800 triệu USD; trong khi đó, Đức cam kết 525 triệu euro. Italy và Tây Ban Nha, có lẽ là những quốc gia phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus ở khu vực châu Âu, mỗi quốc gia cho biết họ sẽ cam kết hơn 100 triệu euro. Hà Lan và Israel cũng cam kết lần lượt là 192 triệu euro và 60 triệu USD.
Khoảng 100 nhóm nghiên cứu đang theo đuổi các loại vắc-xin, với gần một chục loại vắc-xin đang trong giai đoạn đầu thử nghiệm trên người hoặc đã sẵn sàng để bắt đầu.
Tuy nhiên, ông Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu của Chính phủ Hoa Kỳ cảnh báo rằng, ngay cả khi mọi thứ diễn ra một cách hoàn hảo, việc phát triển một loại vắc-xin trong 12 đến 18 tháng sẽ lập kỷ lục về tốc độ. Ngay cả khi một loại vắc-xin hữu ích đầu tiên được xác định, ban đầu sẽ không đủ cho tất cả mọi người.
Theo các quan chức EU, những cam kết được thực hiện đối với việc nghiên cứu vắc-xin kể từ ngày 30/1 cũng sẽ được tính là đóng góp cho mục tiêu trị giá 7,5 tỷ euro của hội nghị trực tuyến nói trên.
Theo số liệu vừa được cập nhật trên trang Worldometers, tính đến 5h42 phút sáng nay (5/5) theo giờ Việt Nam, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới là 3.641.099 ca, trong đó có 251.932 ca tử vong. Số ca nhiễm bệnh đã được phục hồi là 1.192.943 ca. Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tới 212 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. |
Lê Thảo (Lược dịch từ Reuters, Devdiscourse & Worldometers)