“Mua giùm cho mệ đi con. Mai chừ không ai ghé lại. Mà hàng quán đậy điệm như ri, ai biết chi ngon chi dở mà ghé…” – Mệ nói, cuống quít dù gặp khách quen. Tôi nhặt vào giỏ mình nắm rau, miếng thơm, chanh ớt và chút ít hành ngò. Phải nói mệ đừng cho thêm, kẻo ăn không hết thì phí. Khi nào cần mấy đứa nhỏ lại chạy ra mệ, nhà cách có mấy bước chân...

Hỏi mệ ở một mình, lâu rày có phải chạy chợ thường xuyên như vầy không, giọng mệ chừng như đã quen chịu đựng “Khi ôn nằm xuống, mệ cũng chỉ cần rau cháo đủ qua ngày thôi. Có điều kỵ giỗ cúng chạp thì phải có tiền. Rồi lúc đau lúc ốm nữa nên phải phòng thân chớ con”. Hỏi chuyện, mệ nói có cô con gái ở Đà Nẵng, thi thoảng cũng gửi ra cho mẹ đôi ba trăm tiêu vặt. Còn ba anh con trai thì cũng cực khi suốt ngày theo công trình làm phụ nề, hay phụ xe tải. Vợ chồng con trai trưởng được ôn mệ cắt cho thửa đất, làm nhà ngay cạnh nhưng cũng không giúp gì được. “Con trai mệ thật thà lắm. Hắn cũng đi cả ngày, về là đã mỏi mệt rồi nên cũng thương… Con dâu thì hắn lo mấy đứa con, cũng lẹt xẹt việc ni việc tê. Nhưng con dâu không phải con mình – giọng mệ nghe buồn ơi luôn – Mấy hôm ống nước hư, mệ phải qua xin nước nhà người ta vì không dùng nhà con mình được. Chuyện chi rồi cũng tự mình thôi. Biết mấy đứa cực quá nên mệ không nói năng chi. Chừ ri chạy chợ được ngày mô đặng ngày nớ thôi con. Cái số “mền” hắn rứa…”.

Có bao nhiêu người đàn bà đã quen với chịu đựng như vậy, bằng cách cho đó là số phận của mình? Tôi nghe mắt mình rưng, nghĩ có bao nhiêu điều hàng ngày vẫn lướt qua, mà mình không thể nào biết hết và chia sẻ được hết. Cũng không biết có khi mô, vì điều chi mà tự bản thân tôi cũng nghĩ và cho là cái số của mình vậy không? Chắc có. Nhưng chắc là theo một cách khác, hướng khác vì hình như tôi và bao người khác nữa, cũng “mang sẵn” chút chịu đựng nào đó thì phải.

“Mệ kiếm chỗ nào ít nắng mà ngồi nghe, không thì ốm rồi khổ…! Mà có đau ốm thì cũng gọi con, gọi cháu chớ đừng tự mình lầm lụi nghe mệ”. Tôi chỉ biết nói có vậy trước khi bước đi. Nhưng thiệt, lòng nghe có điều chi tan nát khi mệ nói với “Ờ mệ gắng. Mà rứa chơ không nắm níu được mô con ơi…”.

An Bình Lê