Huế đang thiếu những sản phẩm cao cấp để giữ chân khách và tăng mức chi tiêu

Niềm tin của doanh nghiệp được khơi dậy

Về kết quả PCI năm 2019, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Trưởng Ban chỉ đạo PCI đánh giá: Kết quả PCI năm 2019 có điểm trung bình cao nhất từ trước tới nay. Xu hướng hội tụ đã thu hẹp lại sự cách biệt trong chất lượng điều hành của các tỉnh, thành phố. “Sự năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh gia tăng, công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp (DN) cũng có nhiều tiến bộ, khiến bức tranh toàn cảnh của môi trường kinh doanh trở nên sáng sủa hơn. Một số chỉ số PCI và có tới 80% số DN bày tỏ sự hài lòng với cách ứng xử của các cơ quan chính quyền, chứng tỏ niềm tin của DN được tiếp tục khơi dậy ”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Theo báo cáo PCI năm 2019, Quảng Ninh năm thứ 3 liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng với 73,40 điểm, kế đến là Đồng Tháp 72,10 điểm, Vĩnh Long 71,30 điểm và Bắc Ninh (70,79 điểm). Thừa Thiên Huế năm 2018 xếp thứ 30/63 với 63,51 điểm thì năm 2019 đã cải thiện vươn lên đứng vị thứ 20/63 (tăng 10 bậc) với 66,50 điểm, xếp trên của nhóm khá (kế hoạch năm 2019 là duy trì trong top 20), chỉ cách nhóm tốt 0,45 điểm.

Báo cáo CPI năm 2019 cho thấy, một số chuyển biến rõ nét bao gồm mức độ năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh gia tăng, công tác giải quyết vướng mắc, khó khăn cho DN đã có những cải thiện rõ rệt, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, các DN gặp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự được củng cố, gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục giảm, cải cách hành chính có kết quả tích cực…

Nhìn vào bảng điểm 10 chỉ số thành phần cho thấy, năm 2018, các chỉ số về gia nhập thị trường (8,50 điểm) và tính minh bạch (6,95 điểm) giúp Thừa Thiên Huế dẫn đầu toàn quốc thì năm 2019 các chỉ số này giảm lần lượt là 7,11 và 6,57 điểm. Tuy nhiên, với số ngày đăng ký DN, số ngày thay đổi đăng ký DN được rút ngắn đáng kể, thủ tục được niêm yết công khai, cùng cán bộ hướng dẫn rõ ràng, thân thiện giúp cho chỉ số này vẫn giữ điểm cao. Các chỉ số khác như chi phí thời gian, tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý… khá đồng đều và ở nhóm khá, duy chỉ có chỉ số về dịch vụ hỗ trợ DN hơi thấp (5,98 điểm). Chi phí không chính thức tiếp tục được cắt giảm, môi trường kinh doanh cho các DN tư nhân có xu hướng bình đẳng hơn và cải cách hành chính đang chuyển biến rõ nét.

 Chỉ số tính năng động của chính quyền tỉnh ngày một tăng cao giúp cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào địa bàn. Trong ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ thăm hỏi công nhân tại một công ty dệt may

Nỗ lực khắc phục tồn tại

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Thừa Thiên Huế là cải thiện thứ hạng PCI trong năm 2020, phấn đấu nâng cao tổng điểm và xếp vào nhóm tốt. Để đạt được kết quả này, các sở, ban, ngành, địa phương cần phải thay đổi tư duy, hành động, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao và tập trung vào sự phát triển chung của tỉnh để có những giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Theo đó, tỉnh đề ra mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử với các sáng kiến trong phát triển đô thị thông minh, hướng các hoạt động quản lý và điều hành địa phương trở nên phù hợp và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Về nhiệm vụ cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, đôn đốc các sở, ngành, địa phương giải quyết dứt điểm những vướng mắc của DN, triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ DN. Các sở liên quan khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai, tiếp tục phối hợp với các địa phương công khai quỹ đất sạch trên Cổng thông tin điện tử; nâng cao hiệu quả của Cổng thông tin hỗ trợ DN của UBND tỉnh; theo dõi và đánh giá quá trình triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp; nắm bắt nhu cầu lao động của DN trên địa bàn tỉnh.

Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, giám sát việc đánh giá chất lượng giải quyết các TTHC tại các trung tâm cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã, đánh giá toàn diện chất lượng đội ngũ cán bộ đang làm việc tại các trung tâm. Thanh tra tỉnh thường xuyên rà soát, cập nhật, công khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; kiểm tra, giám sát chặt chẽ đội ngũ cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho DN.

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, để nâng cao CPI năm 2020, việc làm thực chất nhất là hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với khối DN vừa và nhỏ bởi khối này chiếm 98% DN toàn tỉnh. Điều đó đòi hỏi người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải rà soát, nắm bắt tình hình thực hiện dự án của các DN, từ đó nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ. Đồng thời, khuyến khích và hỗ trợ tối đa cho các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, DN hoạt động trong các lĩnh vực kêu gọi đầu tư của tỉnh.

Bài, ảnh: Thái Sơn