Chi trả hỗ trợ tại UBND xã Thủy Phù

Sớm giờ nào bà con bớt khổ giờ đó

Trong quá trình triển khai chi trả hỗ trợ 3 tháng cho: hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công cách mạng và bảo trợ xã hội từ 28-30/4, Hương Thủy đã chủ động chỉ đạo các xã, phường trên địa bàn khẩn trương rà soát, lên danh sách các đối tượng trong diện được hỗ trợ thuộc 4 nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, trước khi bắt tay thực hiện chi trả, các bộ phận liên quan đã tính đến phương án giải quyết khi gặp phải tình huống khiến việc chi trả chậm trễ.

“Do tuổi tác, sức khỏe nên không phải ai cũng đi lại thuận tiện để đến UBND các xã, phường để nhận hỗ trợ. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm giãn cách xã hội tạm thời nới lỏng, nhiều người sẽ tranh thủ ra khỏi nhà tìm việc làm hoặc giải quyết công việc nên không có mặt ở nhà, cũng như chưa nắm được thông tin kịp thời về nhận tiền hỗ trợ”, bà Võ Thị Minh Thảo, Trưởng phòng Lao động, Thương binh & Xã hội thị xã Hương Thủy chia sẻ.

Để ứng phó với 2 tình huống trên, bên cạnh thông tin trên các phương tiện truyền thanh, Hương Thủy đã huy động sự vào cuộc của MTTQ và các đoàn thể để “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, thông báo cho người dân biết, cũng như phân chia lực lượng chi trả tại nhà đối với những hoàn cảnh đi lại khó khăn. “Ở đây không phải là vấn đề thành tích mà trong thâm tâm ai cũng hiểu, nếu bà con nhận tiền muộn ngày nào thì gánh nặng cuộc sống lại chồng chất thêm ngày ấy, vậy nên mọi người đều làm việc hết công suất để hoàn thành chi trả trong thời gian sớm nhất có thể”, bà Thảo nói.

Bà Nguyễn Thị Ngà (thôn 3, xã Thủy Phù) - người đầu tiên nhận tiền hỗ trợ tại nhà cảm động: “Bên cảnh giảm bớt khó khăn, sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, sự quan tâm, nhiệt tình của chính quyền, đoàn thể… khiến gia đình thấy ấm áp hơn bao giờ hết”. Còn tại UBND xã Thủy Phù, ông Trương Đức Sơn (thôn 5) vui mừng: “Dịch bệnh đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của gia đình trong thời gian qua. Nay có số tiền hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, đã giúp gia đình tôi giảm được rất nhiều gánh nặng”.

Cuốn chiếu & hướng dẫn cụ thể

Ông Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy cho biết, thị xã đã chỉ đạo Phòng Lao động, Thương binh & Xã hội tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát, thống kê các nhóm đối tượng còn lại (lao động tự do; lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; hộ kinh doanh cá thể có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm; lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp). Tuy nhiên, đây là công việc khá phức tạp, cũng như nảy sinh một số vấn đề liên quan đến rà soát, thống kê dẫn đến khó khăn trong hoàn tất chi trả như mục tiêu đề ra là cuối tháng 5 tới.

Theo ông Sơn, trong số nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp còn lại, có 2 nhóm: Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương và hỗ trợ người sử dụng vay vốn thì đơn vị, chủ sử dụng lao động lập danh sách người được hưởng trợ cấp và vay vốn không qua ủy ban cấp xã, phường mà qua huyện, thị xã, thành phố và tỉnh. Ngoài ra, theo nguyên tắc, công ty dưới 100 lao động danh sách sẽ gửi qua tuyến huyện, trên 100 lao động danh sách gửi qua Sở Lao động, Thương binh & Xã hội.

“Để thuận tiện, nhanh chóng trong rà soát, lên danh sách gửi UBND tỉnh phê duyệt, Sở Lao động, Thương binh & Xã hội nên phổ biến cho tất cả 9 huyện, thị, thành phố về quy trình, thời gian, cách thức rà soát, nơi chi trả hỗ trợ cho từng đối tượng..., tham mưu cho tỉnh trong chuyện duyệt danh sách từ huyện, thị, thành phố, các doanh nghiệp, công ty, người sử dụng lao động gửi lên theo đúng quy định. Ngoài ra, sở cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để việc triển khai đến người được hỗ trợ thuận lợi, kịp thời”, ông Sơn đề xuất.

Ở các nhóm đối tượng: Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm; lao động tự do; lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp…, theo ông Lê Ngọc Sơn, khi địa phương nào gửi danh sách lên, sau khi kiểm tra, rà soát, Sở Lao động, Thương binh & Xã hội nên trình ngay để UBND tỉnh phê duyệt và chuyển lại để địa phương đó thực hiện chứ không nhất thiết đợi tất cả các địa phương gửi xong mới trình ký đồng loạt. “Cách làm cuốn chiếu này sẽ giúp các địa phương chủ động hơn trong dự trù kinh phí, đồng thời, có thể nguồn kinh phí chi trả hỗ trợ đến với bà con sớm hơn”, ông Sơn nói.

Bài, ảnh: Hàn Đăng