Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các tướng lĩnh quân đội Việt Nam hoạch định kế hoạch tấn công Điện Biên Phủ. Ảnh: TL

Những chủ quan “chết người”

Một trong những sai lầm của Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ là đánh giá quá thấp về khả năng hậu cần của Việt Minh. Tướng Henri Navarre, Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương, vị tướng được coi là có năng lực nhất trong quân đội Pháp thời bấy giờ trong cuốn hồi ký Đông Dương hấp hối có viết về năng lực vận chuyển của đối phương như sau: “Muốn tấn công Điện Biên Phủ, quân đội Việt Minh chỉ có thể trông vào sự tiếp tế của các đoàn cu-li, do đó cũng chỉ có thể phát triển một lực lượng hạn chế”.

Với sức mạnh không quân chiếm ưu thế tuyệt đối, quân Pháp hoàn toàn tin rằng việc tiếp tế hậu cần sẽ rất thuận lợi, tạo điều kiện cho việc tiêu diệt Việt Minh một cách dễ dàng vì khả năng tiếp tế của Việt Minh rất yếu, chủ yếu dựa vào sức người, các phương tiện vận chuyển lại thô sơ, lạc hậu.

Henri Navarre tin rằng, khả năng Việt Minh dùng trọng pháo để tấn công cứ điểm cũng như dùng pháo phòng không để chống lại máy bay là rất ít. Trong một bản nghiên cứu vào tháng 5/1953, ông ta viết: “Pháo binh địch chỉ có thể đặt vị trí ở những sườn núi đổ xuống phía trong của cái lòng chảo Điện Biên Phủ. Đối với pháo cao xạ, muốn khống chế vùng trời trên sân bay cũng như vậy. Theo ý kiến của tất cả những người chỉ huy pháo binh, điều đó không thể thực hiện được vì những khẩu pháo đó sẽ bị các đài quan sát trong lòng chảo phát hiện, hoặc trong khi chúng được đặt vào vị trí, hoặc khi chúng bắn. Chúng sẽ bị pháo binh và máy bay ném bom của chúng ta “trói mõm” lại...”.

Báo Pháp Le Monde (Thế giới) viết một cách khá lạc quan: “Quân đội của chúng ta mong muốn cuộc “xô xát”. Họ rất sốt ruột sau hai tháng không chiến đấu. Họ đòi hỏi chiến đấu. Ngày 25/1/1954, khi trận chiến đấu đã hầu như chắc chắn là sẽ xảy ra nhưng rồi lại lẩn mất thì họ vô cùng tức tối. Đó là thời kỳ mà Điện Biên Phủ tự cho mình là bất khả xâm phạm. Và tất cả mọi người, từ binh sĩ đến các chỉ huy, đều xem cái chiến trường được chuẩn bị sẵn đó như một nơi mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần đầu tiên tạo điều kiện cho chúng ta bẻ gãy những sư đoàn chính quy của ông ta nếu ông ta tấn công” (!).

Sức mạnh của đội quân tướng Giáp

Đúng như người Pháp mong đợi, cuộc chiến đã nổ ra, nhưng không đúng như những dự tính của họ. Niềm hy vọng, tự hào, lạc quan cùng với những thắng lợi trong trí tưởng tượng của họ đã bị những loạt đại bác của Việt Minh đập tan và đổ sụp ngay trong cuộc pháo kích mở màn ngày 13/3/1954.

Báo Pháp từng tả lại trận đánh: “Cuộc tấn công mãnh liệt của Việt Minh vào Điện Biên Phủ đã được mở đầu bằng một cuộc pháo bắn chuẩn bị dữ dội. Cuộc pháo bắn lần này lần đầu tiên tỏ rõ sự trang bị hiện đại và sức mạnh không thể nghi ngờ về đội quân mới của tướng Võ Nguyên Giáp. Số lượng và cỡ các khẩu pháo cũng như sự dồi dào về đạn dược đã gây nên một sự kinh ngạc hoàn toàn. Sự kinh ngạc đến nỗi là ba cứ điểm bảo vệ phía bắc Điện Biên Phủ, Beatrice (Him Lam), Gabrielle (Độc Lập) và Anne Marie (Bản Kéo) đã sụp đổ ngay những giờ đầu. Số mệnh đã quyết định là những quả đạn trọng pháo đầu tiên của Việt Minh rơi qua lỗ châu mai vị trí chỉ huy của cứ điểm Gabrielle đã giết chết Đại tá Gotser, chỉ huy bán lữ đoàn lê-dương thứ 13 và ba người chỉ huy phó của ông ta”. Đại tá Piroth, người lớn tiếng tuyên bố sẽ “buộc pháo binh Việt Minh phải câm họng”, đã tự sát bằng cách rút chốt quả lựu đạn trên ngực mình vì sự bất lực của pháo binh Pháp.

Đến lúc này, giới chức quân sự cao cấp của Pháp mới giật mình nhìn thấy sự thất bại đang đến gần.

Trong cuốn Kết thúc của một cuộc chiến tranh, các nhà sử học Pháp Philippe Deviller và Jean Lacouture viết: “Ngày 29/3/1954, tướng Navare biết rằng số phận của Điện Biên Phủ phụ thuộc vào khả năng thả dù và chuyển thương binh của chúng ta”. Người Pháp đã lập ngay một cầu hàng không hoạt động suốt ngày đêm để hà hơi tiếp sức cho tập đoàn cứ điểm. Cố gắng một cách tuyệt vọng, hy vọng dùng không quân để cứu tập đoàn cứ điểm đã không làm thay đổi được tình thế. Vòng vây của bộ đội Việt Minh càng thắt chặt thì các loại pháo của họ càng hoạt động hiệu quả hơn, chính xác hơn.

Theo lời thú nhận của Navarre thì từ ngày 26/3/1954, không còn máy bay nào có thể lên xuống để vận chuyển thương binh được nữa. Việc máy bay không thể cất, hạ cánh ở Điện Biên Phủ đã đánh một đòn mạnh vào tinh thần chiến đấu của quân Pháp. Tuy vậy, việc thả dù của Pháp vẫn tiếp tục mặc cho hiệu quả chẳng còn được bao nhiêu. Hàng ngày, từ 150-200 tấn hàng thả xuống thì có đến gần một nửa rơi vào tay Việt Minh, thậm chí cả kiện hàng trong đó có lon tướng phong cho De Castrie cũng bị Việt Minh thu được. Tới ngày 16/4/1954, sân bay Mường Thanh bị chiến hào của Việt Minh cắt đôi. Sáng 23/4/1954, bộ đội Việt Minh làm chủ sân bay. Cái “dạ dày của Điện Biên Phủ”, theo cách nói của Navare, đã hoàn toàn bị cắt đứt.

Thời gian trôi qua, có rất nhiều phân tích để lý giải nguyên nhân khiến một cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương thời đó sụp đổ trước cuộc tiến công của một đội quân mới thành lập được 10 năm và kém xa đội quân viễn chinh Pháp về trang thiết bị quân sự. Những tư liệu trên đã cho thấy, đó là sự chủ quan khi đánh giá về công tác hậu cần của đối phương để rồi chuẩn bị một phương án hậu cần sai lầm dựa hoàn toàn vào đường hàng không. Khi Việt Minh kiểm soát được sân bay thì tập đoàn cứ điểm hoàn toàn bị cô lập. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên thất bại ở Điện Biên Phủ dẫn tới việc Pháp phải từ bỏ chiến trường Đông Dương.

TS. Ngô Vương Anh