Rác thải y tế ở một bệnh viện tại Vũ Hán, Trung Quốc trong thời gian diễn ra dịch COVID-19. Ảnh: XINHUA/TUOITRE

Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), 5 thành phố lớn nhất Đông Nam Á, bao gồm Manila, Jakarta, Bangkok, Kuala Lumpur và Hà Nội có thể phải xử lý tổng cộng hơn 1.016 tấn rác thải y tế mỗi ngày.

Chỉ riêng các bệnh viện ở thủ đô Manila của Philippines, nơi có 14 triệu dân và chiếm đến 37% trên tổng số các trường hợp tử vong do COVID-19 trong khu vực (tính đến ngày 4/5), dự kiến ​​sẽ thải ra 280 tấn rác thải y tế mỗi ngày, so với với mức trung bình 47 tấn được tạo ra trong những ngày bình thường trước đó. Trong khoảng thời gian 60 ngày, thủ đô Manila có thể phải vật lộn với thêm 16.800 tấn chất thải y tế.

Tương tự, thủ đô Jakarta của Indonesia có thể tạo thêm 12.720 tấn rác thải y tế từ găng tay, khẩu  trang, đồ bảo hộ cá nhân và túi trị liệu tiêm tĩnh mạch đã qua sử dụng trong 60 ngày vào thời điểm dịch bệnh diễn ra. Tính đến ngày 4/5, thành phố này đã chứng kiến ​​số người tử vong vì COVID-19 cao nhất trong khối ASEAN, chiếm khoảng ½ tổng số ca tử vong liên quan đến COVID-19 trong khu vực.

Gần bằng với Jakarta, Bangkok (Thái Lan) có thể thải ra thêm 12.600 tấn rác thải y tế, trong đó chủ yếu là khẩu trang đã qua sử dụng. Thủ đô của Thái Lan đã phân loại khẩu trang vứt bỏ là chất thải nguy hại, từ đó triển khai các thùng rác màu đỏ để thu gom chúng, cùng với các chất thải lây nhiễm khác, và sẽ được đốt tại các cơ sở chuyên dụng.

Chứng kiến sự quá tải trong việc vận chuyển và xử lý rác thải y tế mà Trung Quốc đã làm trong thời điểm dịch bệnh diễn ra, ADB cho rằng, điều quan trọng là các hệ thống quản lý rác thải bổ sung phải được lập ra để giúp làm giảm sự lây lan của dịch COVID-19 và sự xuất hiện của các bệnh khác. Thực tế, bên cạnh việc xây dựng các bệnh viện mới cho các bệnh nhân mắc COVID-19, thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) - nơi dịch bệnh bùng phát đầu tiên, đã phải xây dựng một nhà máy xử lý rác thải y tế mới và triển khai 46 cơ sở xử lý rác thải di động để đối phó với lượng rác thải y tế hằng ngày cao gấp 6 lần so với trước khi dịch COVID-19 xuất hiện.

Trong khi đó, Trung tâm phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cảnh báo rằng, còn nhiều thứ đáng lo hơn về rác thải y tế bên ngoài các cơ sở y tế. Khi dịch bệnh đã lây nhiễm trong cộng đồng thì rác do những người nhiễm bệnh mà không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà thải ra cũng có thể trở thành nguồn rác thải mang mầm bệnh lây nhiễm. Công việc xử lý theo đó sẽ trở nên khó khăn hơn vì rác từ nhiều nguồn và những người tiếp xúc cũng tăng lên.

Theo chuyên gia của ADB, nếu không có giải pháp xử lý rác thải y tế khẩn cấp, kịch bản xấu nhất có thể xảy ra, trong đó những người dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng sẽ phải gánh chịu hậu quả nhiều nhất.

Tìm giải pháp xử lý

CDC nói rằng, rác thải y tế từ COVID-19 có thể được xử lý giống như rác thải y tế thông thường. Các quy định về cách xử lý rác thải có thể khác nhau tùy theo địa điểm và có thể được điều chỉnh bởi các sở y tế và môi trường của mỗi quốc gia. Nói chung, để đảm bảo rác thải ô nhiễm từ các cơ sở chăm sóc sức khỏe không gây hại cho công chúng trước khi được chuyển đến các bãi rác, chúng thường được đốt, khử trùng bằng hơi nước hoặc bằng hóa chất.

Tuy nhiên, việc xử lý rác thải y tế đúng chuẩn cần phải tuân thủ một số yêu cầu nghiêm ngặt mà không phải ở đâu cũng đáp ứng được. Do các vấn đề về lắp đặt, vận hành, bảo trì và quản lý các lò đốt rác hiện đại với các tiêu chuẩn kỹ thuật sẵn có tốt nhất khá phức tạp và chi phí rất cao, nên việc đốt rác quy mô nhỏ thường được xem như một phương tiện xử lý rác thải y tế tạm thời.

Mặc dù vậy, ông Steve Peters, chuyên gia năng lượng cao cấp của ADB cho rằng, đốt rác nên là biện pháp cuối cùng trong việc xử lý rác từ việc điều trị cho các bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Ông đề nghị các chính phủ tạm thời thu gom và lưu trữ rác thải y tế truyền nhiễm trong các container vận chuyển đông lạnh, trong trường hợp không thể xử lý ngay được. Khi thời gian lưu trữ  kết thúc, thường là từ 60 đến 90 ngày, rác thải còn lại có thể được đưa đến lò nung xi măng để đốt và biến thành xi măng, giống như những gì đã được làm ở Trung Quốc. Theo ông, môi trường đốt cháy nhiệt độ cao, có tính kiềm mạnh có thể phần nào ngăn cản việc sản xuất khói độc trong suốt quá trình đốt rác.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những người xử lý nguồn rác thải y tế đặc biệt này nên mặc đồ bảo hộ phù hợp, bao gồm ủng, quần áo dài tay, găng tay dày, khẩu trang và kính bảo hộ hoặc tấm chắn che mặt. May mắn thay, những nỗ lực bảo vệ đến nay dường như đã được đền đáp. Theo một báo cáo của WHO ngày 19/3, vẫn chưa có trường hợp nào cho thấy sự tiếp xúc trực tiếp của con người trong quá trình xử lý rác thải y tế hiện tại dẫn đến việc lây truyền COVID-19. Tuy vậy, vẫn cần phải nhấn mạnh rằng, khi đại dịch bùng phát, lượng rác thải y tế cũng sẽ gia tăng và việc xử lý rác an toàn vẫn sẽ tiếp tục là một thách thức đối với các cộng đồng cho đến khi dịch bệnh kết thúc.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ Eco-Business, SCMP & The Verge)