Cần thúc đẩy, tăng cường đoàn kết để đánh bại kẻ thù chung là đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa: TTXVN
Trong khi các nhà kinh tế học dự đoán nhiều khả năng tác động của dịch COVID-19 sẽ lớn hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, song các nhà sử học lại ví chúng với những ảnh hưởng nghiêm trọng gây nên bởi bệnh dịch hạch Justinian xảy ra hồi thế kỷ thứ 6, khi khiến khoảng 300.000 người tử vong chỉ trong năm đầu tiên...
Trước những thách thức như vậy, đặc biệt là đại dịch COVID-19, liệu chúng ta nên làm gì để đánh bại kẻ thù chung?
Giới chuyên gia nhận định, đầu tiên, việc cần thiết là phải xây dựng một mặt trận chung. Nhờ những phối hợp vừa được triển khai của nhóm các học giả và nhà báo Nhật, 3 chiến lược đã được đưa ra, theo đó khuyến khích cả thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á – Thái Bình Dương nên tuân thủ để khắc phục tác động của đại dịch.
Đầu tiên, chuỗi cung ứng toàn cầu trong khu vực cần được phục hồi bằng cách tái cấu trúc mạng lưới công nghiệp xã hội kỹ thuật số nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực và tái tạo hệ thống công nghệ thông tin kỹ thuật số tiên tiến.
Ở châu Á – Thái Bình Dương, 3 cường quốc hàng đầu Đông Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nên bắt đầu xây dựng một mặt trận chung, sau đó đưa nó vào khuôn khổ của cơ chế đối tác kinh tế toàn diện khu vực với sự tham gia của 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Australia, New Zealand.
Thứ hai, ngoài cấp quốc gia, sự phối hợp chính sách cũng cần được thiết lập ở các chính quyền địa phương và thành phố, bao gồm cả mạng lưới liên tỉnh, liên thành phố dọc theo các nền tảng mở rộng. Mạng lưới này nên tập trung vào việc tăng cường hợp tác kinh tế về khoa học y tế và chăm sóc sức khỏe, cũng như bảo vệ môi trường và nền kinh tế xanh.
Thứ ba, cần tập trung vào an ninh kinh tế xã hội, không chỉ là an ninh quốc gia. Chính sách an ninh truyền thống của phương Tây vốn tập trung chủ yếu vào việc hình thành các liên minh, điều hành các mạng lưới giám sát khổng lồ và xây dựng một đội quân hùng mạnh để thúc đẩy nền dân chủ phương Tây. Ngược lại, chính sách an ninh sau đại dịch nên dựa trên quan hệ đối tác nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế xã hội khu vực về y tế, chăm sóc sức khỏe, năng lượng và bảo vệ môi trường.
Sự ưu tiên của việc bá chủ thế giới của các cường quốc nên được thay thế bằng sự hợp tác giữa các cường quốc. Trò chơi chiến lược thắng - thua sẽ nhường chỗ cho cơ chế hợp tác kinh tế - xã hội đa phương, đôi bên cùng có lợi. Điều này đặc biệt quan trọng cho các quốc gia trong cùng khu vực.
Đan Lê (Lược dịch từ Khmer Times)