“Lúa này phơi thêm hai, ba ngày nắng nữa là vừa khô”, nở một nụ cười hiền lành, tiếng anh Hồ Văn Nhoai ở xã Hồng Kim (A Lưới) dường như cũng bao hàm cả ý cầu mong những ngày sắp đến trời nắng để phơi lúa cho khô khén hạt gạo chứ vụ này gia đình anh và bà con trong xã cũng đã vừa gặt vừa chạy mưa. Kể ra thì cũng được mùa nhưng mưa gió làm vài vạt lúa đổ rạp, ảnh hưởng chút ít đến sản lượng. Kế bên nhà anh Nhoai, ông Lê Văn Yên cũng đang trở đi trở lại lúa phơi trong sân. Ông vừa cười vừa gật đầu “Năm ni nhà mình cũng được mùa”. Ngôi nhà tường gỗ lợp ngói có hàng rào bằng cây xanh phía trước của ông trông thật gọn gàng và ấm áp, kiểu thức tường rào và cổng ngõ chẳng khác gì một ngôi nhà ở dưới xuôi.
A Lưới đón tôi bằng những nụ cười vui như thế.
Cứ mỗi lần trở lại A Lưới là tôi lại thấy có thêm nhiều khởi sắc. Quốc lộ 49 lên A Lưới đường nhựa xe chạy êm êm, màu xanh hai bên đường trải dài không dứt. Xe qua Bình Điền, Bình Thành, câu chuyện lại gợi nhớ về một thời ba mạ, anh chị đi lao động trồng sắn ở đây. Vùng đất kinh tế mới hoang vu ngày nào bây giờ thấp thoáng bóng đời sống phố thị với những quán cà phê trang trí hoa tươi, những ngôi nhà xây lợp ngói khá kiểu cách ẩn khuất sau những vườn cây. Đường tốt nên lòng bình yên ngắm cảnh hai bên đường. Càng lên cao những đoạn đường đèo càng ngoạn mục. Đèo Kim Quy, đèo Bốt Đỏ, đèo A Co, mây giăng bên kia núi xanh thẫm. Gió sớm lùa mát lạnh. Bỗng thấy hạnh phúc biết bao khi được sống trong yên bình. Những ngọn đồi, những thung lũng phủ một màu xanh. Đã qua rồi một thời bom đạn ác liệt nơi đây, đã qua rồi những ám ảnh của tên gọi suối Máu, nước chảy dưới chân cầu suối Mìn (mìn là máu) len lỏi một dòng xanh giữa đá cuội và cỏ dại. Thời gian và sức người đang khỏa lấp những hầm hố đạn bom ở vùng đất này. Đi hết A Co, con đèo cuối cùng và cũng là đèo nguy hiểm nhất, dài 16km, thị trấn A Lưới hiện ra, bao phủ trong một màu xanh của núi rừng trùng điệp. Thật khó nghĩ rằng A Lưới xanh tốt hôm nay đã từng trải qua những năm chiến tranh ác liệt mà đến cây rừng cũng trụi lá.
Tiếng người đồng nghiệp đầy am hiểu về vùng đất này “Ở đâu cũng còn người nghèo, nhưng ở A Lưới không có người ăn xin, nếu ai khó khăn, neo đơn thì bà con sẽ tự đùm bọc lẫn nhau. Với lại đất ở đây tốt, bà con được hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa, trồng chuối nên năng suất cao hơn trước nhiều”. Ngoài lúa và chuối, bà con còn được hướng dẫn trồng cây bơ, bước đầu cho thấy cây bơ hợp với đất này và rất sai quả. Nhưng tôi đã mỉm cười khi biết được rằng, người dân A Lưới đã trồng thử nghiệm thành công hoa cúc, hoa ly, hoa đồng tiền và cả hoa tulyp. Hãy thử tưởng tượng những cánh rừng hoa trong những tour du lịch ở A Lưới mai này sẽ hấp dẫn biết bao nhiêu.
“Bây giờ đời sống no ấm rồi chứ trước đây khổ cực lắm. Nhà mình làm một sào ruộng, năm hai vụ cũng đủ gạo ăn, rồi trồng đậu đen, mè, mình bán thêm hàng tạp hóa đời sống cũng ổn”, tiếng anh Hồ Văn Nhoai lẫn trong tiếng cào lúa rột roạt. “ Bây giờ sướng rồi”, đó cũng là lời của cựu chiến binh Lê Văn Yên, tên Pa Cô là Ku Pâr, cả hai con người- một sinh năm 1975, một sinh năm 1943, gắn bó với mảnh đất Hồng Kim đều bằng lòng về cuộc sống hôm nay, những cực khổ, thiếu thốn mấy mươi năm về trước đã lùi xa, rất xa.
Đất A Lưới đã hồi sinh, có lẽ nhờ thế mà người A Lưới kể chuyện gì cũng cười ngay cả khi nói về nỗi khổ của mình, như nụ cười của bà Kan Roi - người dân tộc Pa Cô ở xã Hồng Thủy khi đến nhận quà của Nghĩa Dũng Karate-Do tặng bà con nghèo trong mùa COVID-19. Bà kể chuyện bà đau lưng, nhà neo đơn, hai cháu nội được Nhà nước nuôi ăn học ở nội trú, bà cười khi kể chuyện xong và còn nói trong tiếng Pa Cô “vui” là “lư yêm”. Hay đó cũng là nụ cười của bà Quỳnh Sành ở thôn 5, xã Hồng Thủy khi đến nhận quà trễ, bà cũng cười và đi rất tự tin trong chiếc váy thổ cẩm của mình. Những nụ cười đem đến cho người khác sự ấm lòng.
Những bảng hiệu “Homestay” được viết theo nhiều kiểu cách xuất hiện khá nhiều trên đường về. A Lưới đã bắt đầu với những chuyển biến về sản xuất nông nghiệp, về phát triển du lịch, đó là điều mà ai cũng có thể nhận thấy để làm cơ sở cho niềm tin về một đời sống ấm no bền vững sẽ đến với người dân nơi đây trong tương lai không xa.
Xuân An