Thiệt hại đến môi trường sinh thái từ việc khai thác cát, sỏi trái phép đã quá nặng nề. Thực trạng này, Báo Thừa Thiên Huế và các phương tiện thông tin đại chúng đã nhiều lần phản ánh. Các đối tượng thường lợi dụng đêm tối, các vị trí vắng người để khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép.

Tại Nghị định 23/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông có hiệu lực cách đây 1 tháng, đã quy định thời gian khai thác cát sỏi từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, không được khai thác ban đêm. Tuy nhiên, điều kiện này có lẽ chỉ áp dụng được với các mỏ được cấp phép; đối với các đối tượng khai thác trái phép sẽ không có tác dụng, nên rất cần sự tuần tra, kiểm soát thường xuyên của lực lượng chức năng.

Vấn đề đặt ra là cát, sỏi sau khi được khai thác trái phép sẽ về đâu? Có ý kiến cho rằng, không ít bãi tập kết cát, sỏi hợp pháp đã hợp thức hóa lượng cát, sỏi khai thác trái phép này. Và trên thực tế đã từng xảy ra tại một số doanh nghiệp, khi cơ quan công an vào cuộc điều tra.

Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng này, Nghị định 23/2020/NĐ-CP quy định các bãi cát, sỏi phải lắp đặt bảng thông báo công khai thông tin địa chỉ cung cấp cát, sỏi; lắp đặt thiết bị giám sát khối lượng cát, sỏi mua bán tại bến bãi... Tuy nhiên, theo khảo sát mới đây, hầu hết các bãi cát, sỏi trong cả nước vẫn chưa thực hiện, mặc dù Nghị định đã có hiệu lực hơn 1 tháng nay.

Tại Thừa Thiên Huế, theo danh mục địa điểm quy hoạch bến, bãi kinh doanh vật liệu xây dựng cát, sỏi trên địa bàn tỉnh (theo Quyết định số 07/QĐ-UBND ngày 3 tháng 1 năm 2019 của UBND tỉnh) thì trên địa bàn tỉnh có 54 điểm.

Bên cạnh đó, quá trình vận chuyển, chủ phương tiện phải mang theo hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của cát, sỏi theo quy định. Song, vẫn không ít trường hợp vi phạm. Mới đây, Công an thị xã Hương Trà đã xử lý 2 ô tô tải ben chở cát không xuất trình được hóa đơn, chứng từ và không chứng minh được nguồn gốc khoáng sản. Nguyên nhân xuất phát từ việc chủ phương tiện thu mua tại nơi khai thác trái phép…

Điều có thể khẳng định, nếu các bãi tập kết cát, sỏi không thu mua cát, sỏi không có nguồn gốc rõ ràng thì nạn khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép sẽ được hạn chế đáng kể. Cho nên, việc công khai thông tin nguồn gốc cát, sỏi trong quá trình vận chuyển và tại các bãi tập kết cát, sỏi là hết sức cần thiết, nhất là khi tình trạng khai thác cát sỏi trái phép vẫn cứ dai dẳng. Đây là việc làm không khó, không chỉ tạo thuận lợi trong quản lý Nhà nước của cơ quan chức năng mà còn tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp; đồng thời, góp phần đẩy lùi nạn khai thác cát, sỏi trái phép tàn phá môi trường vốn nhức nhối lâu nay.

Đặng Thành