Quan chức Mỹ đón một tù nhân được Iran phóng thích hồi năm 2019. Ảnh: AP
Hiện chưa có phản hồi từ Mỹ nhưng theo giới quan sát nếu được thực hiện, đây sẽ là cách ít tốn kém nhất và có lợi nhất cho cả hai bên để giảm căng thẳng trong thời điểm hiện nay, tạo tiền đề cho những bước đi tiếp theo lớn hơn giữa hai nước.
Người phát ngôn Chính phủ Iran Ali Rabiei cho biết, Mỹ có vẻ sẵn sàng hơn trong việc trao đổi tù nhân nhưng vẫn chưa đưa ra phản ứng, đồng thời khẳng định không cần một quốc gia thứ 3 làm trung gian trong hoạt động trao đổi tù nhân.
“Chúng tôi thông báo sẵn sàng trao đổi tất cả các tù nhân, thảo luận về việc phóng thích các tù nhân không kèm điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên phía Mỹ chưa có phản ứng. Chúng tôi hy vọng rằng, dịch Covid-19 đang đe dọa cuộc sống các công dân Iran trong những nhà tù Mỹ, Chính phủ Mỹ nên quan tâm đến mạng sống của con người hơn là vấn đề chính trị và quay trở lại con đường này”, ông Rabiei nói.
Ông Ali Rabiei cũng cho biết, nếu Chính phủ Mỹ đồng ý, Đại diện lợi ích của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Mỹ sẽ công bố chi tiết về thời điểm cũng như cách thức trao đổi tù nhân.
Tờ New York Times trước đó cho biết, Mỹ và Iran đang đàm phán một thỏa thuận, bao gồm thả tự do cho một cựu binh hải quân Mỹ bị Iran bắt giữ, để đổi lấy một bác sĩ người Mỹ gốc Iran bị Mỹ bắt giữ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây cũng kêu gọi Iran thả các tù nhân Mỹ như một thiện chí nhân đạo giữa đại dịch.
Nếu một thỏa thuận trao đổi được thực hiện sẽ là hợp tác rất hiếm hoi giữa Mỹ và Iran trong bối cảnh căng thẳng hiện nay.Tháng 12 năm ngoái, Mỹ và Iran cũng tiến hành trao đổi tù nhân theo hình thức “ một đổi một”. Tuy nhiên với quy mô lớn và đầy đủ như đề cập của Iran trong thỏa thuận trao đổi tù nhân này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước, cũng như tạo nền tảng cải thiện quan hệ song phương.
Đối với Mỹ, Tổng thống Donald Trump luôn đặt ưu tiên để giải phóng công dân Mỹ bị giam giữ ở nước ngoài. So với cuộc trao đổi được đánh giá là “rất tốn kém” để thả tự do cho phóng viên Washington Post Jason Rezaian vào tháng 1/2016, tuyên bố của Iran trao đổi tù nhân không kèm điều kiện tiên quyết sẽ là một chiến thắng nho nhỏ giành cho Tổng thống Donald Trump.
Còn đối với Iran, hạ nhiệt quan hệ tạm thời với Mỹ sẽ giúp tháo gỡ những gánh nặng trong bối cảnh quốc gia Hồi giáo đang phải đối phó với dịch Covid-19 cũng như các vấn đề khác trong nước. Theo phía Iran, quả bóng đang ở trên sân của Mỹ, nhưng chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng đang cân nhắc rất thận trọng để có thể bật đèn xanh cho thỏa thuận này.
Bước đi này của Mỹ sẽ được coi là sự nới lỏng trong chiến dịch gây sức ép tối đa mà Mỹ đang áp đặt nhằm vào Iran cũng như có thể tạo tiền lệ cho các hoạt động tương tự sau này.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh nhà tù của cả hai nước là nơi ươm mầm cho virus SARS-CoV-2, triển vọng quân sự leo thang tại vùng Vịnh mà không có bất cứ động thái ngoại giao nào, các bước tiến nhỏ trong việc tiến tới thỏa thuận trao đổi tù nhân giữa hai bên là điều có thể dễ đạt được nhất vào thời điểm hiện nay, tạo nền tảng cho những bước tiến lớn hơn trong tương lai.
Theo VOV