Thị trường giao đồ ăn Thái Lan tăng trưởng mạnh trong mùa đại dịch COVID-19. Ảnh: Nikkei/NDH
Tiến sĩ Wijarn Simachaya, Chủ tịch Viện Môi trường Thái Lan (TEI) cho biết, trước khi dịch COVID-19 xảy ra, quốc gia Đông Nam Á này tạo ra khoảng 5.500 tấn rác thải nhựa mỗi ngày, nhưng hiện nay, con số đó đã tăng lên 6.300 tấn/ngày. Theo ông, tác động từ dịch vụ giao đồ ăn là rất lớn, nhất là ở Bangkok, nơi ngành công nghiệp này đã phát triển vượt bậc. Theo đó, rác thải từ các sản phẩm nhựa cũng tăng vọt, ngay cả khi tổng lượng rác thải phát sinh tại thủ đô Thái Lan đã giảm xuống.
Thông thường, Bangkok sản sinh ra khoảng 10.500 tấn rác thải các loại mỗi ngày, nhưng con số này đã giảm 12% trong 2 tháng qua, chủ yếu là do lượng khác du lịch sụt giảm vì đại dịch toàn cầu COVID-19. Tuy nhiên, lượng rác thải nhựa ở Bangkok lại tăng lên rất nhiều trong khoảng thời gian này, với khoảng gần 3.000 tấn rác thải nhựa mỗi ngày.
Theo Cục kiểm soát ô nhiễm, nhựa chiếm tới 12% tổng lượng rác thải của Thái Lan hàng năm - khoảng 2 triệu tấn. Đáng lo ngại, chỉ 25% trong số đó được tái chế, trong khi phần còn lại chủ yếu là các sản phẩm nhựa dùng một lần và thường kết thúc tại các bãi rác hoặc đổ xuống sống, xuống biển.
Trước thực trạng đó, những năm gần đây, nhiều chiến dịch chống rác thải nhựa ra đời đã nâng cao nhận thức cộng đồng về các vấn đề môi trường ở Thái Lan.
Đầu năm nay, Thái Lan chào đón một phong trào cấm túi nhựa sử dụng một lần trên toàn quốc. Lệnh cấm đã nhận được sự hỗ trợ từ Hiệp hội các nhà bán lẻ Thái Lan – nơi sở hữu khoảng 24.500 kênh phân phối bán lẻ trên toàn quốc.
Nhưng với cuộc khủng hoảng sức khỏe đang diễn ra, Tiến sĩ Wijarn cho biết, việc hạn chế các chương trình vận động cộng đồng và sự phụ thuộc ngày càng lớn vào các dịch vụ giao thực phẩm, cũng như các nền tảng mua sắm trực tuyến, đã cản trở các nỗ lực nhằm giảm rác thải nhựa trên toàn quốc.
Một đơn hàng thực phẩm được giao trung bình dùng đến 4 sản phẩm nhựa. Ảnh minh hoạ: Alibaba
Trung bình, một đơn hàng được giao thường dùng đến 4 sản phẩm nhựa. Ví dụ như với một số loại thực phẩm như phở, sẽ đi kèm với nhiều gia vị khác nhau được đựng trong các túi nhựa. Nhiều loại nhựa có thể được tái chế nhưng vấn đề hiện nay là nhựa không phải lúc nào cũng được chuyển đúng vào hệ thống xử lý rác thải.
Thực tế, Thái Lan đang đối mặt với các vấn đề môi trường nghiêm trọng do hàng triệu tấn rác thải nhựa gây ra. Lượng rác thải nhựa mà nước này thải ra đại dương cao thứ 5 thế giới.
Mức độ nghiêm trọng của rác thải nhựa có thể khiến nhiều người Thái có ý thức về môi trường sinh thái hơn. Tuy nhiên, lối sống hạn chế rác thải nhựa vẫn đang bị giới hạn trong một nhóm nhỏ người dân, chủ yếu vì việc sự dụng các sản phẩm nhựa khá tiện lợi và rẻ tiền.
Mỗi năm, chỉ có khoảng ¼ lượng rác thải nhựa được tái chế, chủ yếu là chai nhựa. Còn lại, các sản phẩm nhựa dùng một lần khác như dao, muỗng, nĩa và cốc nhựa được sử dụng các dịch vụ đồ ăn mang đi thường kết thúc hành trình tại các bãi rác vì chúng được coi là vô giá trị và do đó, không được các công ty tái chế chính thống thu thập và xử lý.
BẢO NGHI (Lược dịch từ CNA)