Sở dĩ Cục xuất bản, in và phát hành lên tiếng là do ngày 25/9/2014, Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam (VLCC) đã có công văn gửi đến Cục xuất bản, in và phát hành và Cục Bản quyền tác giả - Bộ VHTTDL, hỏi về mức chi trả nhuận bút tác phẩm được sử dụng trong hệ thống SGK.
Trong công văn này, VLCC cho biết: Hiện nay, VLCC đang trao đổi làm việc với NXB Giáo dục Việt Nam về việc chi trả tiền nhuận bút cho các tác giả là thành viên của VLCC có thơ, văn xuôi được NXB giáo dục Việt Nam trong bộ sách Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 12. Theo quy định về khung nhuận bút tại điều 13 Nghị định 18/2014/NĐ-CP ngày 14/3 của Chính phủ, VCLL sẽ áp dụng mức thu tiền nhuận bút cho các tác giả Thơ là 12% -17% (mục 3 nhóm I), Văn xuôi từ 8%-17% (Mục 1 nhóm I) nhân với số lượng sách in và giá bán lẻ.
Chính vì thế VCLL gửi công văn về hai đơn vị nói trên đề nghị xem xét, trả lời về việc áp dụng mức thu nhuận bút như trên có đúng với đối tượng SGK hay không.
Trong văn bản ngày 7/10/204 trả lời VCLL, Cục Xuất bản in và phát hành cho biết: Theo quy định tại Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14/3/2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực trong lĩnh vực Xuất bản được áp dụng đối với xuất bản phẩm, không phải đối với tác phẩm.
Như vậy, đối với chế độ nhuận bút của các tác giả là thành viên của VCLL như đã nêu trên thì được áp dụng theo mức chi trả quy định tại mục 12 nhóm I của khung nhuận bút của Nghị định số 18/2014/NĐ-CP.
Theo mục 12 nhóm I của khung nhuận bút của Nghị định số 18/2014/NĐ-CP thì tỷ lệ phần trăm (%) đối với sách bài học, sách bài tập, sách vở bài tập, sách cho giáo viên, sách chương trình mục tiêu (theo chương trình của Bộ GD-ĐT) là 30-140% mức tiền lương cơ sở/tiết theo quy định của chương trình.
Nhuận bút sách bài học, sách bài tập, sách vở bài tập, sách cho giáo viên, sách chương trình mục tiêu theo chương trình của Bộ GD-ĐT tại số thứ tự 12 nhóm I khung nhuận bút được tính: Nhuận bút = Tỷ lệ phần trăm (%) x Mức tiền lương cơ sở x Số lượng tiết theo quy định của chương trình.
Lãnh đạo NXB giáo dục Việt nam cho hay, mặc dù Luật Sở hữu trí tuệ đến năm 2006 mới có hiệu lực, nhưng tại thời điểm biên soạn, NXB Giáo dục Việt Nam đã có ý thức và thực hiện trả bản quyền sử dụng tác phẩm cho các tác giả có tác phẩm thơ, văn được các tác giả biên soạn SGK trích, sử dụng trong SGK Tiếng Việt và Ngữ văn.
Trong cuộc họp giữa Hội Nhà văn Việt Nam, VCLL, NXB Giáo dục Việt Nam cũng đã thống nhất: Đối với SGK xuất bản năm 2014 hai bên sẽ đối soát để bàn bạc và thống nhất phương án chi trả bản quyền. Đối với những ấn phẩm từ năm 2013 trở về trước, hai bên sẽ tiếp tục trao đổi để thống nhất về quan điểm.
Trong buổi làm việc này Nhà văn Ngô Văn Phú chia sẻ: “Các nhà văn sẵn sàng cung cấp tác phẩm nhưng về nhuận bút có để an ủi cho nhà văn”
Trao đổi với Dân trí, Lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam cho biết thêm: SGK là loại hình xuất bản phẩm đặc biệt. Nội dung sách được Hội đồng thẩm định, giá sách do Ban Vật giá Chính phủ quy định (trước đây) và Cục Quản lí giá - Bộ Tài chính hiện nay thẩm định rất chặt chẽ.