Nhỏ hơn là trước khi bán đất thì ngon ngọt thống nhất chừa lối đi 2 hoặc 3 mét. Lấy tiền xong thì đổi ý, chừa có mét hai hoặc mét rưỡi. Hoặc nữa, trước khi lấy tiền thì thống nhất cho người mua sau này nếu làm nhà thì được đặt đường thoát nước ngầm qua phần đất nhà mình để ra hệ thống thoát nước chung, nhưng sau khi lấy tiền thì một hai không chịu, mà muốn chịu thì phải có điều kiện đi kèm (!)

Vô số những chuyện phát sinh như vậy khiến công tác quản lý của chính quyền rất mệt. Và để tránh phát sinh những hệ lụy tương tự, đồng thời để tránh thất thu cho Nhà nước do các trường hợp bán đất có kèm nhà và công trình trên đất nhưng không thể hiện trong hợp đồng, không thực hiện nghĩa vụ tài chính, mới đây UBND Tp Huế đã phát công văn gửi các phòng công chứng (PCC) trong tỉnh, đề nghị các PCC khi thực hiện các giao dịch cần hướng dẫn các bên “thể hiện ý chí của mình đối với phần đất dùng làm lối đi chung hoặc làm lối đi cho một thửa đất”; “với các hợp đồng mà người sử dụng đất chỉ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nhưng trên giấy có ghi tài sản hoặc trên thực tế có tài sản thì hướng dẫn bên chuyển nhượng tiến hành lập các thủ tục để được cấp GCN quyền sở hữu nhà (QSHN) và tài sản gắn liền với đất trước khi thực hiện các giao dịch”.


Người dân chờ làm thủ tục đăng ký QSDĐ tại phòng "một cửa" của TP Huế
 
Sau khi tiếp nhận công văn của UBND TP Huế, các PCC đã có ý kiến phản hồi nhất trí với việc yêu cầu giao dịch thể hiện ý chí về lối đi; riêng về việc yêu cầu bên chuyển nhượng cần làm thủ tục để được cấp GCN quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất trước khi thực hiện giao dịch, một số trường hợp “không muốn”, hoặc không có điều kiện để thực hiện và yêu cầu công chứng, các PCC thấy yêu cầu đó là phù hợp với “điều 106 Luật Đất đai năm 2003” nên không thể từ chối công chứng hợp đồng.
 
Đáp lại phản hồi này, UBND TP Huế một lần nữa tái khẳng định đề nghị của mình và cho biết, UBND TP đã chỉ đạo các bộ phận liên quan tạo điều kiện giải quyết nhanh chóng (các trường hợp chuyển đổi GCNQSDĐ sang GCNQSHN…); đồng thời khẳng định UBND thành phố sẽ từ chối cấp GCNQSDĐ, QSHN và tài sản gắn liền với đất với các trường hợp không thực hiện. Việc làm đó, theo UBND TP Huế là đúng luật (Căn cứ các điều 134, 410 Bộ luật Dân sự năm 2005; điều 90, 93 Luật Nhà ở…)
 
Tuy nhiên, quan điểm cũng như yêu cầu của UBND TP Huế vẫn không được phía PCC nhất trí. Các PCC vẫn không thể từ chối công chứng các hợp đồng, vì như trên đã nói, yêu cầu công chứng của người giao dịch là “hoàn toàn phù hợp với pháp luật”. Tuy nhiên, cũng vì các lý do như đã đề cập, các hợp đồng dù được công chứng xong đều bị từ chối cấp giấy!
 
Thực tế ấy làm cho người dân hết sức khổ sở, buộc họ phải chạy đi chạy về, hết lên thành phố lại về công chứng, hết về công chứng lại lên thành phố mà cuối cùng vẫn không giải quyết được vấn đề, cho dù, như PCC đã khẳng định, việc làm của họ là “hoàn toàn phù hợp với pháp luật”!
 
Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng PCC Số 1, trên thực tế, số các trường hợp để dẫn đến tranh chấp, khiếu nại sau giao dịch chiếm tỷ lệ không lớn. Vậy nhưng, để phòng ngừa số cá biệt này mà lại dẫn đến ách tắc cho số đông những trường hợp khác là điều không công bằng. Tranh chấp nếu xảy ra, sẽ có tòa án phân xử, vì đây đều là các trường hợp đã GCNQSDĐ.
 
Tất nhiên, đó là quan điểm của ông Bình, còn trên thực tế, mọi chuyện vẫn đang… “cứ thế mà làm” . Thành phố có lý của thành phố, công chứng có lý của công chứng, chỉ có người dân là… mệt.
 
Được biết, trước hiện tình như trên, ngày 4/10 vừa rồi, Sở Tư pháp đã có công văn gửi UBND tỉnh, đề nghị UBND tỉnh chủ trì một cuộc họp liên ngành để giải quyết các vướng mắc nói trên. Hy vọng cuộc họp ấy sẽ diễn ra sớm và các bên liên quan sẽ tìm được tiếng nói chung để quyền lợi chính đáng của người dân được đảm bảo.
 
Huy Khánh