Các hiện vật được di dời đến “nơi ở mới”

Địa điểm số 268 Điện Biên Phủ, những năm qua là doanh trại một đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Biên phòng Thừa Thiên Huế và có lẽ ít người biết chuyện “ngày xưa” ở nơi mới của BTLS. Có thể cũng là điều thú vị, vì câu chuyện “ngày xưa” ấy, tình cờ lại gắn với cái tên BTLS.

Tôi biết câu chuyện “ngày xưa” ấy nhờ đọc một cuốn sách cũng khá đặc biệt - cuốn sách của ba tiểu thư con Tổng đốc Võ Chuẩn, vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành, với tựa đề: “Lời thì thầm của ba người con gái Huế xưa” (LTT). Tôi đã có dịp giới thiệu vắn tắt cuốn sách này, nhưng chưa nhắc đến ngôi nhà số 268 Điện Biên Phủ. Trong tiểu thuyết “Hai gốc cây” có nhiều yếu tố tự truyện của nhà văn Minh Đức Hoài Trinh in trong LTT, tác giả đã kể lại nhiều câu chuyện diễn ra trong biệt thự có hai cây sanh trước cổng trên đường lên Nam Giao (đường Điện Biên Phủ). Theo bà P.T.H. cháu ngoại của cụ Võ Chuẩn, thì trải qua “những cuộc bể dâu”, hai cây sanh cùng dấu tích ngôi biệt thự xưa không còn gì, nhưng nhờ tiểu thuyết “Hai gốc cây”, nhiều câu chuyện liên quan đến lịch sử Huế được tái hiện.

Chính tại ngôi nhà này, tròn 75 năm trước, sau Cách mạng Tháng 8, là nơi góp phần sản xuất lựu đạn đánh Tây. Tôn Thất Hoàng, bạn thân với Võ Sum - con trai cụ Võ Chuẩn, đều là cựu học viên Trường Thanh niên tiền tuyến Huế 1945 - đã kể trong một bài viết in sách “Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế 1945 - một hiện tượng lịch sử” (NXB Công an Nhân dân, 2008) như sau: sau Cách mạng Tháng 8/1945, hầu như toàn bộ học viên Trường Thanh niên tiền tuyến chuyển thành bộ đội Giải phóng quân Huế, “Ngành Quân giới - Quân khí được giao cho Võ Sum vì giỏi về cơ khí… Võ Sum đặt trụ sở của Ban Quân giới – Quân khí tại Trường Kỹ nghệ thực hành… Anh Nguyễn Thuật, Giám đốc của trường nhiệt tình thực hiện tất cả các yêu cầu của Trưởng Ban Quân giới – Quân khí Giải phóng quân: sản xuất lựu đạn mỏ vịt, lựu đạn chày, nhồi đạn AM, sửa chữa các loại súng… Việc chế tạo thử fun-mi-nat thủy ngân để nhồi hạt nổ và ống nổ trong lựu đạn thì phải làm tại nhà Võ Sum (nhà cụ Võ Chuẩn) trên đỉnh dốc Nam Giao…”.

Một trong “hai cô em” đó, về sau là nhà văn Minh Đức Hoài Trinh, qua tiểu thuyết “Hai gốc cây” đã cho biết, hai cây sanh biểu tượng tình yêu vượt qua lễ giáo phong kiến của cụ Võ Chuẩn, sau những năm tháng quấn quýt bên nhau, đã bị lính Pháp “chặt sát gốc, đào cả rễ vì sợ quân du kích vô trốn trên cành mà vứt lựu đạn xuống”… Đó cũng là những ngày “ông anh” tên là Sơn (mà Võ Sum là “nguyên mẫu”) tham gia Quân Giải phóng Huế, thỉnh thoảng mới có dịp về thăm ngôi nhà trên dốc Nam Giao. Nhiều trang cuối tiểu thuyết miêu tả bầu không khí gia đình “ông Thượng” sau Cách mạng Tháng 8 (cụ Võ Chuẩn chán thời cuộc, xin nghỉ hưu sớm khi đương chức Tổng đốc Quảng Nam, hàm Thượng thư).

Một sáng đầu tháng 5 nắng đẹp, tôi lặng nhìn những vũ khí chiến lợi phẩm từ sân Quốc Tử Giám Huế vừa được chuyển lên an vị tại nơi mới của BTLS, chợt nghĩ đến những câu chuyện 75 năm về trước đã diễn ra trên mảnh đất này. Hình như có nhà văn đã viết: Trên đất Huế, đâu chỉ trong lăng tẩm, cung điện vàng son; mỗi bước chân đi đều có thể nghe lịch sử vọng về… Còn doanh nhân - nhạc sĩ Võ Tá Hân (con trai của ông Võ Sum) là tác giả bài hát “Rất Huế” nổi tiếng, nay đang ở với thân mẫu một nơi xa Huế, ngày ngày phổ nhạc kinh Phật. Tôi sẽ nhắn cho anh biết – nói theo ngôn ngữ nhà Phật - kể cũng là có… “duyên” khi BTLS đứng chân trên đường Điện Biên, trên mảnh đất mà ông Võ Sum cùng các chiến sĩ Giải phóng quân Huế từng sản xuất lựu đạn đánh Tây sau Cách mạng Tháng 8.

Và kể cũng là điều thú vị, ít lâu nữa, khi BTLS hoạt động trở lại, chúng ta sẽ thấy ngoài máy bay, xe tăng… còn có một số hiện vật mà các bạn thân với ông Võ Sum, là cựu học viên Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế như Đặng Văn Việt, Tôn Thất Hoàng đã tặng lại BTLS mấy năm trước…

Bài: NGUYỄN KHẮC PHÊ - Ảnh: ĐĂNG TUYÊN