Trạm nghỉ. Ảnh: LAN PHƯƠNG

Càng về sau này, sáng sớm hay chiều muộn, khi nắng chưa lên và đã tắt đi quá nửa, số người ra đường bằng xe đạp lại ngày càng nhiều. Một số rong ruổi bằng xe thể thao để tăng cường sức khỏe, số khác chắc chọn xe đạp là phương tiện di chuyển mới thay cho xe máy bình thường, khi áo quần đạp xe không phải đồ thể thao chuyên dụng và trước giỏ xe thay vì các thiết bị đo nhịp tim đi kèm mà là balo, cặp táp đi học. Ngộ nữa là nhiều cô, dì cũng đang dần thoát khỏi danh xưng “ninza xe lead” mà chuyển qua xe đạp hiện đại, dù vẫn áo mũ kín mít và che mình dưới vành nón to.

“Ở thời điểm trước dịch, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, nhiều người vẫn chọn xe máy là phương tiện di chuyển chính. Nhưng kể từ khi có dịch COVID-19, cuộc sống mọi người bị xáo trộn phần nhiều. Lúc này, nhiều người quan tâm hơn đến sức khỏe và hình thành thói quen rèn luyện sức khỏe cho mình. Do đó, thay vì dùng xe máy để đi làm, một số bộ phận người Huế đã chuyển sang xe đạp. Cũng vì lý do này, khách hàng đến tiệm chọn và mua xe cũng nhiều hơn so với thời điểm trước” – chủ tiệm xe Anh Khoa chia sẻ. Hèn chi, mỗi chạy ngang các cung đường như Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ hay Điện Biên Phủ, lúc nào tôi cũng thấy ông bà chủ cửa tiệm xe đạp địa hình lúc nào cũng tất bật. Người thẳng lưng tư vấn xe này xe kia với khách, người đã cúi gầm “tút và check” lại bộ phanh trước khi giao hàng.

Phái nữ cũng rèn luyện sức khỏe với đạp xe thể thao. Ảnh minh họa: LÂM OANH

Sức khỏe không tập trung hay bỏ rơi bất kỳ giới tính nào, nên đương nhiên, gái trai, cô, dì, chú, bác, anh, chị, em hay các cháu nhỏ cũng cực kỳ hứng thú với bộ môn thể thao mới này. Để đáp ứng nhu cầu của từng người, từng giới với sức bền và khả năng khác nhau, một chủ tiệm xe nhiệt tình cho tôi hay, với chị em phụ nữ, dòng xe được lựa chọn nhiều nhất hiện đang là con Latte 24 inch và Latte 26 inch. Đây là dòng xe giúp chị em rèn luyện sức khỏe khi vừa có thể đi làm, hay cho những cuốc tập luyện mà vẫn không mất đi vẻ nữ tính. Với những đối tượng mới làm quen với xe đạp thể thao, dòng ATX 610 lại được chú ý nhiều hơn cả. Đương nhiên, với các tay chơi kỳ cựu, Treck Marlin 4 và Treck Marlin 5 lại được nhiều người lựa chọn nhất.

Đạp xe đã trở thành xu hướng, khi lượng người dùng nó để di chuyển đã ở cấp số cộng và hy vọng, đến một lúc nào đó sẽ chuyển qua cấp số nhân. Nhiều lúc, tôi thấy bác mình ở nhà hồ hởi đạp xe cùng mấy người bạn từ dưới phố lên thăm má cách 5-7 km, hay đạp quanh các cung đường, hăng hái check-in, đi chợ các kiểu rồi mới về nhà với sự hào hứng đầy tràn mà bất ngờ dữ lắm. Nếu có dặn dò đôi chút thì cũng chỉ là “con đóng cửa cho kỹ nhé, xe đạp này mắc tiền lắm”. Đó là tất cả. Cả đứa bạn ngày trước trông “èo uột, thắm lúa” cỡ nào, giờ cũng “ghi danh” trong đội hình ưa xe đạp chuyên dụng, thậm chí có cả nhóm đạp xe, đua xe đạp riêng trên Zalo để tiện bề hội họp. Bạn tôi còn hăng hái giới thiệu kiểu: “Đừng mua mấy dòng xe thường. Đạp mỏi lắm. Mua xe đạp thể thao chuyên dụng như tao đó. Đạp thẳng lưng, đúng tư thế và đã chân cực. Lốp cũng đàn hồi hơn nữa. Xe đến tận hơn chục “củ” (triệu), tao chạy ké của ba mẹ”.

Phải công nhận, giá xe đạp thể thao chênh lệch nhiều so với các dòng xe thông thường khác. Ngày trước, tậu được chiếc 600.000 – 700.000 đồng hay đầu triệu để đi học đã thuộc hàng quý tộc, giờ phải giao động từ 5.000.000đ – 10.000.000đ, hoặc cao hơn thì mới có được con chiến mã hàng xịn, chưa kể đến mũ, túi, bộ bảo vệ các loại...

12h đêm, đứa bạn ở đầu dây bên kia điện thoại vẫn nhắc mãi rằng phải tìm hiểu cho cẩn thận cả mua nhầm xe “fake” (hàng nhái), cứ đến cửa hàng chuyên xe ở Nguyễn Huệ hay Điện Biện Phủ mà khảo giá và chọn thử. Tôi ừ liền và nghĩ đến 2 con xe đạp địa hình ba tôi đang khóa “3 tầng 7 lớp” dưới hầm nhà. Không biết khi mình đạp, có ngầu như mấy anh chị hay thấy giữa đường không, hay thành ninza Gaint Ineed Latte như bác mình nhỉ. Chẳng biết nữa, nhưng cứ thử thôi, chân muốn nhí nhoáy trên pê - đan rồi.

HẠ AN