HLV Đoàn Phùng (áo trắng, đứng giữa) dẫn dắt đội bóng Huda Huế mùa giải 2009

Một thời vinh - nhục

Được giới trong nghề nhắc đến với tư cách một trong ít người cách tân hệ thống chiến thuật từ cổ điển 5-3-2 sang 4-4-2, cũng như xác lập được một vị trí nhất định trong và ngoài sân cỏ ở làng bóng đá Việt Nam, nên không quá khi nói rằng, nếu không có sự dẫn dắt của HLV Đoàn Phùng, từ năm 2001 đến nay, bóng đá Huế chưa chắc đã trở thành một thế lực ở giải hạng Nhất, dù rằng đây không phải là mục tiêu cao nhất của ông Phùng cũng như người hâm mộ.

Cũng chính vì vậy nên từng có thời điểm người ta nói với nhau rằng, đội bóng đá Huế là của… ông Phùng.

Thời ông Phùng làm HLV trưởng cho đến lúc trở thành Trưởng đoàn Bóng đá Huế, những câu chuyện từ lương, thưởng đến chuyên môn, từ thăng hạng, trụ hạng đến tâm tư, nguyện vọng của đội trước, trong và sau giải…, cái gì cũng đến tay ông, hỏi cái gì ông cũng trả lời vanh vách, cũng như từ năm 2001 đến nay, vẫn chưa thấy ai có thể làm tốt hơn so với ông Phùng.

Nhưng cũng chính điều này mà trong 2 thập kỷ gắn tên mình với bóng đá Cố đô, hơn ai hết, ông Phùng thấm thía những vinh – nhục đã từng khi đội bóng do ông dẫn dắt trải qua những lần thăng hạng, rớt hạng và bài học cay đắng năm 2011 khiến Huế phải 2 năm xuống chơi tại giải hạng Nhì, cùng 2 lần bản thân rời ghế HLV rồi quay trở lại.

“Với tôi, khoảng cách giữa thành công và thất bại trong bóng đá rất mong manh. Được cả khán đài sân Tự Do vỗ tay đó mà nghe cả khán đài… réo tên ra chửi cũng đó. Nhưng thú thật là tôi không buồn, không giận, có chăng là sự ức chế, tủi hổ vì bất lực khi không đáp ứng được điều mà người hâm mộ mong muốn trong suốt thời gian dẫn dắt đội bóng”, ông Phùng thoáng chạnh lòng.

Nền tảng ông Phùng để lại sẽ là cơ sở để bóng đá Huế nâng lên tầm cao mới trong tương lai

Kế thừa & tiếp nối

Với vai trò thuyền trưởng, chẳng ai không muốn đội bóng mình dẫn dắt ngự trị ở ngôi cao nhất, hay chí ít đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ là một trong những đội bóng mạnh, chơi ở giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam. Ông Phùng cũng không ngoại lệ.

Thời điểm ông Phùng vừa về nắm quyền dẫn dắt, đội bóng đá Huế không có nhiều những chân sút chất lượng, cũng như không được “gia cố” vững chắc ở phần “gốc” khi cơ chế, kinh phí cùng cách đào tạo tuyến trẻ hạn chế. Điều này khiến việc đưa đội chủ sân Tự Do trở lại thời khắc vinh quang năm 1995 đã khó càng thêm khó.

Sau thời gian thăng trầm, mùa giải 2006, khi quay trở lại ghế HLV trưởng, ông Phùng quyết tâm xốc lại bóng đá Huế bằng lứa cầu thủ 19, 20 tuổi trưởng thành từ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc 2004. Không phụ tâm sức lẫn kỳ vọng, sau trận play-off gặp Hải Phòng, đội chủ sân Tự Do đã đặt chân lên chơi ở V. League. Đáng tiếc, chỉ sau một mùa, đội chủ sân Tự Do phải chấp nhận an vị ở giải hạng Nhất. “Các cầu thủ khi đó thừa quyết tâm, máu lửa nhưng thiếu kinh nghiệm và hạn chế kinh phí nên không trụ nổi trước sức ép khốc liệt của V. League”, ông Phùng lý giải.

Vinh quang khi đưa đội bóng góp mặt ở V. League, thất bại, tủi hổ khi đội bóng xuống chơi và liên tục “trụ” ở giải hạng Nhất cùng 2 mùa phải chiến đấu tại giải hạng Nhì chính là nét điểm xuyết trong 2 thập kỷ gắn bó với bóng đá Huế của ông Phùng. Trong lẫn lộn buồn vui đó, dấu ấn để lại của vị “phù thủy” này chính là việc “rắc” lại cách thức đào tạo, hình thành được một tuyến cầu thủ được huấn luyện bài bản, xuyên suốt từ năng khiếu đến đội 1, để từ đó, ngoài giúp tạo nên được bản sắc riêng có khi trong đội hình đa phần là cầu thủ “cây nhà lá vườn”, CLB bóng đá Huế còn có thể phần nào chủ động về lực lượng khi đối mặt trước sự ra đi tìm bến đỗ mới của hàng loạt cầu thủ trụ cột.

Từ nền tảng này, dù tiếc nuối nhưng Phó Trưởng đoàn Bóng đá Huế - Trần Quang Sang vẫn phần nào yên tâm khi từ ngày 1/4/2020, Đoàn Bóng đá Huế nói chung, CLB Bóng đá Huế nói riêng không còn sự gánh vác của ông Phùng. “Là một người có tâm, có tài và thẳng thắn, thời gian qua bản thân tôi học hỏi rất nhiều kinh nghiệm quý báu trong huấn luyện, quản lý của anh Phùng. Những gì anh Phùng để lại là cơ sở và cũng là cơ hội để chúng tôi phát huy, nâng tầm bóng đá Huế trong thời gian tới, mà trước mắt là đề xuất xây dựng trung tâm đào tạo bóng đá trẻ hoặc mô hình học viện bóng đá mà nhiều nơi đã làm và rất thành công”, Phó Trưởng đoàn Bóng đá Huế - Trần Quang Sang nói.

Có thông tin ông Phùng chia tay bóng đá Huế để đảm nhận vai trò Giám đốc kỹ thuật cho đội bóng đang chơi ở V. League là Quảng Nam. Thời điểm bài viết này lên khuôn, thông tin trên vẫn chưa được “chính chủ” xác nhận. Nhưng dù tiếp tục gắn bó sân cỏ với cương vị mới ở một đội bóng mới hay trở thành khán giả trên sân Tự Do mỗi chiều cuối tuần, chắc hẳn, người hâm mộ vẫn luôn nhớ đến một Đoàn Phùng lãng tử, hào hoa, đầy cá tính của bóng đá Cố đô.

Bài, ảnh: VÕ NHÂN