Do thiếu nguồn cung nguyên liệu, hoạt động sản xuất ở nhiều nhà máy bị gián đoạn. Ảnh minh họa: TTXVN

Đại dịch đã và đang làm gián đoạn dòng chảy của hàng hóa bởi sự ngừng hoạt động của các dịch vụ container, vận tải hàng hóa... Điều này dẫn đến sự gia tăng của chi phí vận tải và lưu trữ, cũng như nguy cơ không thực hiện được các nghĩa vụ hợp đồng.

Do tính chất đa tầng của chuỗi cung ứng toàn cầu ngày nay, dù Đông Nam Á là một trung tâm sản xuất chính, khu vực này vẫn chủ yếu phụ thuộc vào Trung Quốc về các sản phẩm trung gian. Chẳng hạn như, nhiều linh kiện quan trọng trong điện thoại thông minh được sản xuất tại Trung Quốc trước khi chúng được vận chuyển để lắp ráp tại Đông Nam Á.

Ngoài tác động được cảm nhận từ phía cung, nhu cầu của người tiêu dùng cũng đang thay đổi không đều giữa những loại sản phẩm khác nhau. Chi tiêu tiêu dùng nói chung đang thu hẹp do lo ngại về sự bất ổn kinh tế, sự thay đổi trong mô hình người tiêu dùng khi có nhiều người ở nhà hơn và sự sụt giảm mạnh của lượng khách du lịch. Theo Tạp chí Nikkei Asian Review, ước tính khoảng 30 triệu khách du lịch Trung Quốc đến thăm Đông Nam Á trong một năm; vì thế, tác động của hạn chế đi lại đối với tiêu dùng là rất đáng kể.

Trong khi đó, chi tiêu đã tăng đột biến đối với các mặt hàng chủ lực nhất định và sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Tình hình còn phức tạp hơn bởi những diễn biến hàng ngày, khiến các tổ chức phải chịu áp lực liên tục và khắc nghiệt.

Phản ứng nhanh chóng

Trong ngắn hạn, khả năng phản ứng và tốc độ đóng vai trò rất quan trọng. Mặc dù điều cốt lõi là các chuỗi cung ứng cần phát triển một phản ứng hiệu quả trong vòng 2 tuần đầu tiên bị gián đoạn, các tổ chức phải thận trọng với những phản ứng có thể gây nguy hiểm cho khả năng hoạt động trong trung và dài hạn. Do đó, quản lý khủng hoảng thích hợp cùng với việc phân tích và lập kế hoạch đúng đắn chính là chìa khóa.

Huy động một lực lượng đặc biệt để đối phó với khủng hoảng lên các chuỗi cung ứng là rất quan trọng để xác định và định lượng nhanh thành phần chủ chốt và những lỗ hổng hiện có, nhằm tìm ra các hạn chế sản xuất. Đồng thời, các tổ chức sẽ cần đánh giá lại dự báo nhu cầu và hạn chế vận tải. Những hiểu biết tổng hợp này sẽ đóng vai trò là đầu vào chính để điều chỉnh và tối ưu hóa kế hoạch sản xuất và yêu cầu hoạt động mới, giúp xác định các nhà cung cấp thay thế phù hợp.

Ngoài việc giải quyết những rủi ro hoạt động này, lực lượng đặc biệt cũng sẽ cần xác định tầm nhìn lớn hơn trước nhiều rủi ro kinh doanh khác.

Những yếu tố rủi ro và thông tin nói trên có thể được kết hợp vào việc hoạch định chiến lược và mô phỏng kinh doanh, để lên kế hoạch cho một loạt các kịch bản. Đây là điều đặc biệt quan trọng đối với một cuộc khủng hoảng không ngừng phát triển.

Khi các chuỗi cung ứng phản ứng nhanh chóng để giảm thiểu rủi ro trước mắt, các tổ chức cần tránh “chủ nghĩa ngắn hạn” trong việc đưa ra quyết định. Bởi COVID-19 được dự báo ​​sẽ sắp xếp lại một cách cơ bản các chuỗi cung ứng toàn cầu, quyết định của hôm nay có thể ảnh hưởng đến khả năng phục hồi trong tương lai.

Xây dựng khả năng phục hồi

Trong khi hầu hết các tổ chức nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, cuộc khủng hoảng hiện nay cho thấy đó đang không phải là ưu tiên của tổ chức.

Trong một thời gian quá dài, các chuỗi cung ứng đã tập trung chủ yếu vào tối ưu hóa chi phí và hiệu quả hoạt động thay vì lập kế hoạch về những thay đổi nhu cầu và đưa ra chiến lược về những kịch bản tiềm năng khác nhau.

Các tổ chức mong muốn tăng cường khả năng phục hồi sẽ cần áp dụng phương pháp phân tích được sử dụng để xác định những lỗ hổng quan trọng trong ngắn hạn và thực hiện đánh giá rủi ro chuỗi cung ứng đầu cuối một cách toàn diện hơn. Đánh giá này nên bao gồm các nhà cung cấp trực tiếp, trung gian và nhà cung cấp nguyên liệu thô. Sau đó, họ sẽ cần phải kiểm tra chuỗi cung ứng, xác định các kịch bản rủi ro quan trọng và xác định phản ứng tiềm năng.

Các nhà sản xuất ở Đông Nam Á hiện đang vật lộn để quản lý những thách thức này. Chẳng hạn như, Tờ The Straits Times cho hay, ngành may mặc trong khu vực đang cạn kiệt vải dệt chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong khi phải đối mặt với sự sụt giảm của các đơn hàng. Do đó, khoảng 60 nhà máy ở Campuchia đã ngừng hoạt động và hơn 18.000 công nhân đã tạm thời nghỉ việc. Những tình huống như vậy cho thấy tầm quan trọng của việc hoạch định kịch bản.

Một chuỗi cung ứng với những khả năng này, cùng với sự giám sát thông tin rủi ro mạnh mẽ, sẽ cho phép các tổ chức phát triển các phản ứng nhanh cần thiết trong các cuộc khủng hoảng tiếp theo. Để được cảnh báo về những bất thường càng sớm càng tốt, các tổ chức sẽ cần đầu tư vào giám sát rủi ro và công cụ báo cáo phân tích nâng cao, cũng như một hệ thống cảnh báo sớm để giám sát sự cố. Bên cạnh đó, một kế hoạch thay thế cũng cần thiết, bao gồm các quy trình vận hành và phản ứng sẽ được kích hoạt bởi sự gián đoạn.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Business Times)