Đại dịch COVID-19 khiến kinh tế thế giới suy giảm mạnh. Đồ hoạ minh hoạ: Economics Times/VOV
Theo bản cập nhật báo cáo về tình hình và triển vọng kinh tế thế giới (WESP) vừa được công bố hôm qua (13/4), Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp quốc (DESA) cho biết, đến giữa năm 2020, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở các nước phát triển sẽ giảm xuống -5%, trong khi sản lượng của các nước đang phát triển sẽ giảm 0,7%.
“Triển vọng kinh tế toàn cầu đã thay đổi mạnh mẽ kể từ khi WESP 2020 được công bố hồi tháng 1”, ông Elliott Harris, nhà kinh tế trưởng và Trợ lý Tổng thư ký Phát triển Kinh tế của LHQ nói.
Đại dịch COVID-19 đã “khơi mào” cho một cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe với phạm vi và quy mô chưa từng có, khi chính phủ các nước trên thế giới phải áp dụng các biện pháp phong toả và đóng cửa biên giới, làm tê liệt các hoạt động kinh tế, chuỗi cung ứng bị đình trệ và hàng triệu công nhân trên toàn cầu mất việc làm.
Theo nhận định của nhà kinh tế Elliott Harris, trong bối cảnh hoạt động kinh tế bị hạn chế ở quy mô lớn và những bất ổn gia tăng, nền kinh tế toàn cầu đang chững lại trong quý II/2020. “Hiện tại chúng ta đang phải đối mặt với thực tế nghiệt ngã của một cuộc suy thoái nghiêm trọng với cường độ chưa từng thấy kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930”, ông nói thêm.
Trong khi đó, để chống lại đại dịch và giảm thiểu tác động của suy thoái kinh tế thảm khốc, các chính phủ trên thế giới đang triển khai các biện pháp kích thích tài khóa tương đương với khoảng 10% GDP toàn cầu.
Dần dỡ bỏ các hạn chế
Mặc dù các ca nhiễm mới và tỷ lệ tử vong liên quan đến COVID-19 gần đây đã chậm lại, nhưng tình hình đại dịch trong tương lai vẫn không chắc chắn, cũng như hậu quả kinh tế và xã hội mà nó sẽ kéo theo.
Đứng giữa việc bảo vệ mạng sống người dân và hồi sinh nền kinh tế, một số quốc gia đã bắt đầu thận trọng dỡ bỏ các hạn chế để khởi động lại nền kinh tế trong nước. Nhưng sự phục hồi sẽ phụ thuộc phần lớn vào sự song hành giữa các biện pháp tài chính và tình trạng sức khỏe cộng đồng, nhằm có thể ngăn chặn sự lây lan của virus, giảm thiểu rủi ro tái nhiễm, bảo vệ việc làm và khôi phục niềm tin của người tiêu dùng, để từ đó mọi người bắt đầu chi tiêu trở lại.
“Tốc độ và sức mạnh của sự phục hồi từ cuộc khủng hoảng cũng sẽ dựa vào khả năng bảo vệ việc làm và thu nhập của các quốc gia, đặc biệt là các thành viên dễ bị tổn thương nhất trong xã hội”, ông Harris giải thích.
Thế giới hậu COVID
Nếu không có sự đột phá nhanh chóng trong việc phát triển vaccine và điều trị COVID-19, DESA vẫn khẳng định rằng thế giới hậu COVID-19 có thể sẽ rất khác so với thế giới mà chúng ta đã biết.
Mặc dù dự kiến sẽ phục hồi ở mức khiêm tốn khoảng 3,4% vào năm sau (2021), báo cáo WESP cho rằng khả năng phục hồi chậm và suy thoái kinh tế kéo dài, với tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng gia tăng là những nguy cơ hiển hiện trước mắt.
Đáng lo ngại, khi thương mại và du lịch bị tê liệt do tác động của đại dịch, cùng với mức thâm hụt lớn và nợ công cao, sẽ đặt ra những thách thức to lớn cho các nước đang phát triển và các quốc đảo nhỏ.
Dự báo này của LHQ cũng cho thấy, rõ rằng sự hỗ trợ và đoàn kết đa phương chặt chẽ để ngăn chặn đại dịch, cùng với sự hỗ trợ kinh tế và tài chính cho các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng, sẽ vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phục hồi và đưa thế giới trở lại quỹ đạo phát triển bền vững.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ UN)