Đã đành là chuyện của người lớn, nhưng tiếng ác chúng tôi nghe hàng xóm rỉ tai khéo, nhất là cái ngày người ta mang xác cha tôi về sau mấy hôm ông không về nhà. Mọi người đến xem đông lắm, họ vừa bịt mũi, vừa nhắm mắt khi nói chuyện: “Thảm quá”, “Tội chưa, để lại bà già với hai đứa nhỏ cho ai đây?”

Những câu nói tương tự cứ văng vẳng bên tai tôi. Còn nhỏ, nhưng tôi có cảm giác không phải vô cớ mà người ta nói thế. Ông bà nội có 6 người con, sau khi ông mất, bà đưa cả gia đình lên thành phố, sống bằng nghề đi rừng đốt than, vất vả kiếm ngày hai bữa. Chẳng hiểu tai vạ cứ từ đâu đổ xuống gia đình tôi. Các bác, cô, chú của tôi lần lượt gặp chuyện chẳng lành, hầu hết đều mất từ rất sớm. Cha tôi cũng chẳng thọ gì, ra đi ở tuổi ngoài bốn mươi. Trước đó hai năm, mẹ tôi mất vì một căn bệnh hiểm nghèo.
 
Khi mẹ mất, em gái tôi mới được mấy tháng tuổi; đến tôi cũng chỉ nhớ mập mờ về tình mẹ, huống chi là em. Nội phải ở nhà chăm hai đứa, ba không vào rừng đốt than nữa mà đi bán vé số nuôi 4 miệng ăn. Năm tháng trôi qua, cơm bữa đói, bữa no, nhưng ngày nào ba cũng bỏ ra vài ngàn để hy vọng đổi đời ở trò số đề. Không biết ba có giấu nội mượn tiền ai đánh đề không, mà khi nằm xuống mọi người đoán già đoán non: “Chắc nợ tiền ai đánh đề, bị người ta đánh rồi vứt xuống ruộng”… Đó là hành trang vào đời của anh em tôi, luôn là điều chẳng may xung quanh.
 
Tuổi thơ tôi là thế. Cả xóm chỉ nhà tôi không có ti vi, nhưng chúng tôi không dám sang xem nhờ nhà ai, vì họ cũng chẳng muốn mở cửa cho xem nhờ. Ba mất, nội thay ba đi bán vé số, nhưng mắt mờ, chân yếu chẳng kiếm được là bao. Các cấp chính quyền, bà con chòm xóm đôi khi cũng giúp bao gạo, cái áo, cái quần cũ; chúng tôi đến trường không phải nộp bất cứ khoản phí nào, sách vở năm nào cũng có người cho. Nhưng chúng tôi vẫn không chiến thắng được số phận, gắng lắm cũng học cho đến khi biết đọc, biết viết thì nghỉ. Cứng tay, cứng chân tôi làm đủ việc kiếm thêm được đồng nào hay đồng đó phụ nội. Đang đi bán vé số gặp người cần khuân vác, tôi khuân vác; gặp người cần rửa bát, tôi rửa bát… Em gái tôi cũng xin nhặt rau, rửa bát tại một quán nhậu vỉa hè. Hàng tháng lãnh lương, chúng tôi đưa hết cho nội; tiền kiếm thêm được mỗi ngày gắng bỏ vào một cái vỏ lon sữa vài ngàn. Cố quên đi, nhưng thật ra chúng tôi nhớ từng đồng trong đó. Được gần trăm ngàn, nội lê khắp các tiệm sửa xe nhờ họ mua giúp chiếc xe đạp cũ. Đó như một báu vật với chúng tôi. Hàng ngày, tôi chở em gái đi làm rồi đạp như bay đến chỗ làm của mình, tối quay ngược vòng xe về với nội; rồi lại dành dụm, lại nuôi bao ước mơ với cái vỏ lon sữa ấy. Bao ước mơ vi vu cùng chúng tôi trên những con đường quen thuộc, rồi sẽ có ngày đủ tiền cho em gái đi học nghề, cuộc sống vất vả tôi cũng tìm cho mình một công việc ổn định. Nhìn chúng tôi nhẽ nhại mồ hôi, nội an ủi – Mình không được học nhiều thì gắng siêng năng, gắng giữ gìn sức khoẻ và sống cho thật thà thì không khổ mãi đâu…
 
Lần thứ hai, khi số tiền được hơn trăm ngàn, chúng tôi quyết không đụng vào đến khi đủ tiền cho em đi học nghề làm tóc. Ông trời như trêu ngươi. Bao năm tháng lăn lộn, chẳng thấy nội ốm đau gì, bỗng khi đó ngã bệnh, số tiền ấy giúp nội chút miếng ăn ngon những ngày ốm đau, nhưng không thuốc men, cơn bệnh đã khiến nội liệt đôi chân. Từ đây anh em tôi phải gánh vác gia đình và chăm sóc nội. Ngày tháng trôi qua, tôi trở thành chàng trai khoẻ mạnh, em gái cũng được trả lương của người làm công lớn, thu nhập đủ bà cháu rau cháo qua ngày. Nội lại kiếm cái vỏ lon sữa khác. Nhưng, cứ như cái số phải vậy, trên dưới trăm ngàn gia đình lại có chuyện. Chúng tôi lại tiếp tục nuôi hy vọng… Cho đến một lần, trong lon sữa cũ ấy đã được gần triệu đồng. Hai anh em hồi hộp, chưa kịp tính sẽ làm gì là tốt nhất thì nội ra đi. Tang lễ tổ chức đơn sơ, anh em tôi phải dựa vào lòng hảo tâm của bà con, chòm xóm và chính quyền địa phương… Cả cái vỏ lon sữa cũ cũng giúp phần không nhỏ.
 
Bên ngôi mộ mới, anh em tôi đốt nén nhang rồi chia tay nội. Tôi hứa với nội sẽ chăm sóc em và sẽ luôn khoẻ mạnh, sống siêng năng, thật thà như lời nội căn dặn để tiếp tục tin vào tương lai. Bởi trong những lúc khó khăn nhất chúng tôi vẫn luôn nhận được sự giúp đỡ của những người xung quanh.
 
Đăng Việt