Khảo nghiệm các giống lúa mới dần thay thế giống KD18
Thoái hóa
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở NN&PTNT), giống lúa KD18 được Bộ NN&PTNT công nhận và đưa vào cơ cấu giống của tỉnh khoảng 20 năm nay. Với diện tích gieo cấy hàng năm chiếm hơn 35% tổng diện tích lúa toàn tỉnh, KD18 mang lại giá trị kinh tế cho người nông dân.
Qua thời gian, giống lúa này đã bộc lộ nhiều nhược điểm về sinh trưởng, sâu bệnh và chống chịu với thời tiết.
Tại HTX NN Thủy Thanh (TX. Hương Thủy), diện tích canh tác lúa KD18 dao động khoảng 10- 12% trên tổng diện tích 315 ha lúa toàn HTX.
Nông dân Nguyễn Việt Tuân (Thanh Tuyền, Thủy Thanh) cho biết: So với các giống lúa khác, KD18 trước đây được nông dân lựa chọn vì giống lúa này đạt năng suất cao (từ 3,5-4 tạ/sào), thị trường, đầu ra dễ tìm kiếm. Nhiều năm nay, tình trạng ngã đổ đã khiến nông dân e ngại với giống lúa này và nếu được hỗ trợ giống, đảm bảo đầu ra thì người dân sẵn sàng chuyển đổi.
Ông Phùng Hữu Thạnh, Giám đốc HTX NN Thủy Thanh thông tin, từ nhiều vụ đông xuân trước, diện tích sử dụng giống KD18 của HTX lên đến 45% do giống lúa này phù hợp với cách canh tác “ăn chắc mặc bền” của nông dân. Nhiều nông dân chưa có điều kiện tiếp xúc với các loại giống mới nên vẫn chọn KD18 như giống lúa truyền thống. Hiện nay, HTX chỉ đưa vào sản xuất khoảng 12% diện tích. Nguyên nhân giống lúa này thường xuyên bị đổ ngã do thân cao và ngày càng có biểu hiện bệnh nặng hơn. Từ nhiều năm nay, HTX NN Thủy Thanh đưa giống KH1, J02 vào thay thế với đặc tính chống đổ ngã tốt hơn, năng suất cao (bình quân 3,4-3,5 tạ/sào), giá thóc khô “nhỉnh” hơn KD18 từ 1-2 nghìn đồng/kg.
Tại HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Vinh (Quảng Vinh, Quảng Điền) hàng năm đưa vào gieo cấy 72 ha giống lúa KD18, trên tổng diện tích 130 ha toàn HTX. Mặc dù với đặc tính dễ đổ ngã, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và làm tăng chi phí thu hoạch nhưng đây là giống lúa có hàm lượng tinh bột cao nên phù hợp với việc cung cấp nguyên liệu cho làng bún Ô Sa tại địa phương này. Hàng năm, làng bún Ô Sa tiêu thụ khoảng 70% sản lượng gạo từ giống KD18 của HTX Nam Vinh.
Qua hai đợt mưa lớn đã làm khoảng 17 nghìn ha lúa đông xuân bị đổ ngã, trong đó chủ yếu giống lúa KD18
Chuyển đổi dần
Nhiều năm nay, HTX NN Đông Phú (Quảng An, Quảng Điền) không còn sử dụng giống KD18 mà chuyển qua canh tác gần như “độc canh” giống lúa 4B với 98% diện tích.
Theo ông Lê Văn Thứ, Giám đốc HTX NN Đông Phú, trước đây, HTX có sử dụng giống lúa KD18 nhưng qua một vài mùa vụ đổ ngã nhiều nên đơn vị không đưa vào cơ cấu giống lúa này nữa mà dần sử dụng các giống lúa mới. Với cơ cấu chính tại HTX vụ đông xuân dùng giống 4B, hè thu TH5 và đưa vào khảo nghiệm thêm các giống mới như J02, VNR20, ST24… để có cơ sở sản xuất vụ đông xuân kế tiếp.
HTX gần như “độc canh” giống 4B vì giống này phù hợp với đồng đất Đông Phú, mặc dù sinh trưởng dài ngày nhưng cho năng suất ổn định (bình quân 72 tạ/ha) và chống đổ ngã tốt. Giống lúa này giá thóc khô khoảng 7,3 nghìn đồng/kg, cao hơn giống KD18.
Ông Lê Quý Thảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho rằng, hiện nay trong cơ cấu giống lúa chủ lực của tỉnh, KD18 vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Điển hình như vụ đông xuân năm 2019-2020 toàn tỉnh đưa vào sản xuất KD18 hơn 11 nghìn ha, còn lại một số giống mới như HN6, TH1, TH5…
Thực tế qua nhiều năm sản xuất, giống lúa này có khả năng bị thoái hóa, bộc lộ nhiều nhược điểm như thân cao, không cứng cây, dễ đổ ngã và khả năng chống chịu thời tiết ngày một kém. Nguyên nhân có thể do thời gian sử dụng dài và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Theo ông Thảo, các biểu hiện rõ rệt hơn trong những năm gần đây là các loại sâu bệnh rầy nâu, khô vằn, đạo ôn nhiễm nặng hơn trước.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở NN&PTNT, những vụ tới tiếp tục vận động người dân chuyển dần sang các giống lúa mới có năng suất, sản lượng cao và chống đổ ngã tốt. Hiện nay, qua công tác khảo nghiệm hàng năm của các đơn vị đã chọn được các giống lúa mới như DT100 (KH1), một số HTX đã đưa vào sản xuất giống này và dần thay thế KD18. Giống KH1 năm 2019 cũng đã được Bộ NN&PTNT công nhận là giống lúa được lưu hành và đưa vào cơ cấu giống ở các địa phương. Thời điểm hiện tại, KH1 đã đưa vào sản xuất khoảng 3.000 ha toàn tỉnh với năng suất 70-80 tạ/ha. Giống lúa này chống đổ ngã rất tốt và bắt đầu có thị trường tiêu thụ ổn định.
Hai đợt mưa lớn cuối tháng 4 làm khoảng 17 nghìn ha lúa đông xuân (trên diện tích hơn 28 nghìn ha toàn tỉnh) bị đổ ngã, trong đó chủ yếu giống lúa KD18. UBND tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT quan tâm hỗ trợ tỉnh 1.000 tấn lúa giống phục vụ gieo sạ vụ hè thu năm 2020. Về lâu dài, tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy lợi thế vùng, chuyển đổi hình thức kinh doanh ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất.
Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN