Ông Trần Viết Hùng ở La Vân Thượng, xã Quảng Thọ lo lắng, từ sáng sớm ra chăm sóc, bất ngờ phát hiện cá chết nổi đầy lồng. Hầu hết cá trắm cỏ nuôi đến nay 4-5 tháng tuổi, trọng lượng trung bình 2-3kg/con. Theo ông Hùng, trước đó, ba lồng cá đang phát triển bình thường bỗng nổi đầu, chết hàng loạt, ước thiệt hại khoảng 10 triệu đồng.

Cạnh lồng cá của ông Hùng là các lồng cá của ông Nguyễn Hữu Quảng, Văn Công Nhân ở cùng thôn cũng bị chết đột ngột. Hầu hết các loại cá chết đều có trọng lượng từ 2-3kg. Các loại cá nhỏ hơn cũng có dấu hiệu sức khỏe kém, lờ đờ.

Người dân vớt cá chết

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Thọ 2, ông Nguyễn Lương Trí thông tin, từ sáng sớm 16/5, phần lớn lồng nuôi cá trắm trên sông Bồ, thuộc địa bàn thôn La Vân Thượng bị chết hàng loạt. Nguyên nhân bước đầu được xác định, do thời tiết nắng nóng, oi bức, dòng chảy trên sông kém dẫn đến thiếu ô xy làm cá chết đột ngột.

Cá lồng nuôi trên sông Bồ thuộc xã Hương Toàn cũng bị chết do ngột ô xy. Thống kê bước đầu, trên địa bàn xã có khoảng 30 lồng cá bị chết với sản lượng khoảng 5 tấn. Số cá còn lại được người dân thu hoạch bán với giá rất thấp chỉ 30-35 ngàn đồng/kg. Một số còn quá nhỏ được giữ lại nuôi nhưng có dấu hiệu lờ đờ, nguy cơ chết rất cao.

Khi phát hiện và xác định nguyên nhân cá chết, các hộ nuôi đã sử dụng máy bơm nước tạo ô xy để bảo vệ số cá còn lại. Tuy nhiên theo nhận định, nắng nóng diễn biến phức tạp, gay gắt, dòng chảy trên sông rất kém như hiện nay, chỉ vài ngày tới khó có thể giữ được số cá còn lại.

Trước mắt, các địa phương yêu cầu các hộ tiến hành thu hoạch số cá có trọng lượng từ 2-3kg/trở lên/con để bán nhằm hạn chế thiệt hại. Các loại cá 1kg đến dưới 2kg/con có thể giữ lại tiếp tục nuôi, song cần triển khai các biện pháp bảo vệ, bằng cách sử dụng máy bơm nước liên tục để tạo ô xy. Trong khi nắng nóng, mực nước đang xuống thấp, dòng chảy bị đứng, người dân nên di chuyển các lồng cá nuôi đến những nơi có độ sâu phù hợp, râm mát.

Sục khí, tạo ô xy bảo vệ cá

Ông Hoàng Công Phong, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ thông tin, ngoài cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, bảo vệ cá, chính quyền địa phương đang tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn “giải cứu” cá cho các hộ nuôi nhằm hạn chế thiệt hại. Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Thọ 2 cũng đã triển khai vận động các hộ thành viên tiêu thụ cá trắm cho người dân. Trong sáng 16/5, phần lớn số cá thu hoạch đã được tiêu thụ, tuy nhiên giá cá rất thấp, dao động mức 30-35 ngàn đồng/kg nên các hộ bị thua lỗ.

Ông Trịnh Xuân Khoa, Phó Giám đốc phụ trách Công ty CP Thủy điện Hương Điền khẳng định, thời gian qua, công ty thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ, điều tiết nước về hạ du phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo quy định, yêu cầu của tỉnh và các ban ngành. Sau khi nhận được thông tin cá lồng nuôi trên sông Bồ bị chết vào sáng 16/5, công ty triển khai kế hoạch, tổ chức vận hành, tăng cường điều tiết nguồn nước về hạ du nhằm cứu thủy sản nuôi. Thời gian đến, tùy thuộc vào mực nước trong hồ và điều kiện thời tiết, công ty tiếp tục vận hành điều tiết nguồn nước về hạ du một cách hợp lý, theo quy định nhằm đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Tin, ảnh: Hoàng Thế