Đà Nẵng thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, phường
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết: Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Một số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng, hiện nay một số thành phố trực thuộc trung ương cũng đã được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương thí điểm xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù và mô hình tổ chức chính quyền đô thị.
Trình bày báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đề nghị cho phép thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng theo hướng xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền địa phương (ở cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (quận, phường).
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Theo mô hình này thì chính quyền thành phố được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Cấp quận và phường không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND quận và UBND phường. Do không tổ chức HĐND ở quận, phường nên một số nhiệm vụ của HĐND quận và phường được chuyển lên cho HĐND và UBND thành phố; một số nhiệm vụ của HĐND phường được chuyển lên cho UBND quận cho phù hợp.
Cơ cấu tổ chức cũng được thí điểm đổi mới như: Tăng cường vai trò giám sát của HĐND thành phố tại quận, phường và quyền dân chủ, quyền đại diện của người dân; nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp để giám sát các hoạt động của quận, phường khi không tổ chức HĐND...
Các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với việc thí điểm tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị và 3 cấp chính quyền ở nông thôn tại thành phố Đà Nẵng như đề xuất của Chính phủ.
Về việc vẫn còn duy nhất một huyện của Đà Nẵng (huyện Hòa Vang) vẫn tổ chức cấp chính quyền địa phương (tổ chức HĐND ở huyện và xã), Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết, địa phương đã thảo luận kỹ vấn đề này và vẫn giữ Hòa Vang là mô hình nông thôn dù diện tích rộng và xu hướng đô thị hóa ở Hòa Vang lớn.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, việc chuyển Hòa Vang từ huyện lên quận thời điểm này liên quan đến thẩm quyền, sắp xếp đơn vị hành chính. Vấn đề không tổ chức HĐND ở Hòa Vang và các xã phụ thuộc quy trình, thủ tục từ lấy ý kiến nhân dân đến trình cấp có thẩm quyền quyết định nên sẽ không kịp trình Quốc hội tại kỳ họp tới. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với phạm vi như tờ trình của Chính phủ và nhận thấy hồ sơ đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới.
Hoàn thiện công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV
Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Chương trình kỳ họp dự kiến sẽ bổ sung các nội dung: Xem xét, quyết định việc tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước; Xem xét việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Các báo cáo của Chính phủ về: tài chính nhà nước năm 2018; tình hình triển khai thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia (như dự án Sân bay Long Thành, đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ…); tổng kết Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 4/10/2018 về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Do thời gian tiến hành kỳ họp rất hạn chế nên đề nghị chuyển sang kỳ họp sau các nội dung không kịp trình tại phiên họp thứ 45 và chưa thật sự cấp thiết: Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội; Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (Dự kiến chương trình hiện vẫn đang bố trí nội dung vào cuối đợt 1 và nội dung vào đợt 2).
Các nội dung trình Quốc hội xem xét thông qua sẽ bố trí đọc tờ trình, báo cáo thẩm tra hoặc thảo luận tại đợt 1 trước khi trình tại đợt 2 để có thời gian đại biểu nghiên cứu và các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo trước khi trình tại đợt 2 (trong đó có bố trí việc trình bày tờ trình, báo cáo thẩm tra các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại đợt 1).
Phiên khai mạc sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp sẽ trình bày nhiều tờ trình, báo cáo (trong đó có 2 Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA). Để bảo đảm phiên họp không kéo dài sau 11 giờ 30, các cơ quan cần chuẩn bị văn bản tóm tắt cô đọng, súc tích, chỉ sử dụng đúng thời gian được ghi trong chương trình.
Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 19 ngày: Đợt 1 là 9 ngày, từ ngày 20 đến 29/5; đợt 2 là 10 ngày, từ ngày 8 đến ngày 18/6, dự phòng ngày 19/6/2020.
Về chuẩn bị tài liệu, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đến thời điểm này, có rất ít tài liệu chính thức được gửi đến đại biểu Quốc hội. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện việc chuẩn bị các nội dung để gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội.
Về công tác thông tin tuyên truyền, các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, an ninh, an toàn, lễ tân, hậu cần, phòng, chống dịch bệnh... đã hoàn thành việc chuẩn bị. Trong đó đã hoàn thiện phần mềm đăng ký phát biểu và biểu quyết được cài đặt trên iPad. Việc đăng ký tranh luận tại Hội trường Diên Hồng thực hiện như các kỳ họp trước, tại các điểm cầu ở 63 địa phương được thực hiện qua đường dây nóng. Việc kiểm tra, rà soát, vận hành thử hệ thống cầu truyền hình, thử nghiệm các phần mềm đã được tiến hành nhiều lần để bảo đảm vận hành thông suốt.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cơ bản đồng tình với báo cáo về công tác chuẩn bị cho kỳ họp và cho rằng cố gắng kết thúc kỳ họp vào ngày 18/6 để có thời gian chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN. Về việc trình hai Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội và Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần giữ nguyên, không lùi sang kỳ họp sau. Trong kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có 1 phiên họp thứ 45B để giải quyết những vấn đề sẽ trình trong Quốc hội...
Theo TTXVN