Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế được di dời đến địa điểm mới. Ảnh: NQ

Có những chia sẻ vui mừng của những người yêu văn hóa Huế trên các trang facebook khi nỗi trăn trở, mơ ước được chờ đợi suốt gần 20 năm qua về việc cần phải di dời bảo tàng đến vị trí mới cuối cùng đã thành hiện thực. Từ nay, hơn 30.000 hiện vật của bảo tàng sẽ có nơi an trú chính thức để được bảo quản tốt hơn, phát huy tốt hơn giá trị. Cùng với đó, di tích Quốc Tử Giám thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế sẽ được trả về đúng vị trí của nó-là di tích văn hóa về khoa cử, học vấn trên vùng đất kinh đô xưa-để có quyết sách, cơ chế bảo tồn, phát huy giá trị. 

Câu chuyện, qua cảm nhận của người dân, còn là động thái quyết liệt của lãnh đạo tỉnh về những quyết sách cần thiết, cấp bách nhằm đánh thức tiềm lực văn hóa di sản của địa phương trong lộ trình xây dựng tỉnh thành thành phố trực thuộc Trung ương đang được đặt ra.  

Cách đây 4 tháng, trong chuyến làm việc với lãnh đạo tỉnh về triển khai Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: Huế là địa phương không những phát triển kinh tế ổn định mà văn hóa còn được giữ gìn, nhất là các di tích, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được trùng tu, tôn tạo và quan tâm đặc biệt. Đây là nền tảng quan trọng trong phát triển bền vững, lâu dài của tỉnh trên lĩnh vực du lịch. Thừa Thiên Huế phải phát huy tiềm năng, thế mạnh riêng không phải tỉnh nào cũng có được. Đó là tiềm năng về trí tuệ; di sản hữu hình và vô hình; cuộc đời sự nghiệp của những bậc vĩ nhân, nhà tư tưởng, nhân vật lỗi lạc, tài hoa mà mỗi cuộc đời gắn với một câu chuyện, địa danh cụ thể. Đó là một tiềm lực, bên cạnh văn hóa đền đài, lăng tẩm.

Ngoài Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận di sản văn hóa nhân loại, theo số liệu thống kê từ Sở Văn hóa Thể thao, cả tỉnh hiện có hệ thống di tích văn hóa-lịch sử đồ sộ với khoảng 1.000 di tích được kiểm kê, trong đó có 166 di tích được công nhận (79 di tích cấp tỉnh, 87 di tích cấp quốc gia, 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt). Tuy nhiên, đến nay, do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc đầu tư kinh phí, công tác bảo tồn, phát huy nguồn tiềm lực di sản này còn nhiều bất cập. Điển hình như địa chỉ Châu Hương Viên-tư thất của cố nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, được xem là một trong những cái nôi của di sản ca Huế hiện đang trong cảnh hoang tàn. Hay Tỳ Bà Trang-một địa chỉ văn hóa gắn với tên tuổi, sự nghiệp Giáo sư Nguyễn Hữu Ba-được coi như một bảo tàng nhạc học truyền thống Huế nói riêng và ba miền Trung - Nam - Bắc nói chung vẫn chưa được nhiều du khách biết đến. Hay cụm di tích gắn với thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế đến nay chưa phát huy giá trị tương xứng tầm vóc di tích...  

Cùng với cảnh quan, môi trường, việc phát huy tiềm lực di sản văn hóa nhằm mục tiêu bảo tồn; tạo sinh kế, tăng nguồn thu xã hội, đóng góp cho tăng trưởng ngân sách đang là nhiệm vụ đặt ra trong lộ trình xây dựng Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương, đòi hỏi những quyết sách mới, cách làm nhanh, quyết liệt và hướng đến tính bền vững. 

Nhật Nguyên