Hoạt động ngoại khóa ở Trường mầm non Hoa Mai

Theo cô Tôn Nữ Lục Hà, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Mai, giáo viên mầm non là người gầy dựng tinh thần vui vẻ, tự tin, tạo nền móng cho sự phát triển nhân cách và nhận thức của trẻ. Nhà trường luôn yêu cầu mỗi cô giáo cần khéo léo khai thác tính cách trẻ cũng như luôn khơi gợi, động viên, rèn trẻ tính nền nếp. Mỗi khi trẻ thích thú, mạnh dạn thể hiện ý tưởng của trẻ khi tham gia vào các hoạt động giáo dục sẽ lĩnh hội đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết, đặc biệt phát triển năng lực bản thân.

Năm học 2017 – 2018, nhà trường phát động hội thi “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” cấp cơ sở được các nhóm/lớp hưởng ứng tích cực. Từ đó, khuôn viên nhóm, lớp được quy hoạch tổng thể hơn, tận dụng được mọi không gian, tạo môi trường “mở” cho trẻ hoạt động. Trẻ có thêm nhiều không gian để học và chơi  như bước ra ngoài thiên nhiên, tự làm đồ chơi, tô màu, tham gia các trò chơi cùng cô giáo. Giáo viên lồng ghép các tình huống quen thuộc để nâng cao khả năng xử lý tình huống cho trẻ. Từ phương pháp giảng dạy lấy trẻ làm trung tâm, giáo viên dành nhiều thời gian khơi gợi hứng thú, sự hiểu biết, tăng kỹ năng thực hành cho trẻ. Các cô sử dụng những tình huống thật để nâng cao kỹ năng sống cho trẻ, cũng như đánh giá đúng khả năng của các em dựa trên sự thay đổi của cá nhân, tôn trọng sự khác biệt của trẻ và không đánh giá đồng loạt.

Để thực hiện tốt chuyên lấy trẻ làm trung tâm, nhà trường tập trung mọi nguồn lực, như đẩy mạnh công tác xã hội hóa từ phụ huynh và các mạnh thường quân để đầu tư cải tạo sân vườn, xây dựng khu vực chơi, khu chăm sóc các con vật nuôi, góc chơi thí nghiệm, thư viện ngoài trời… đáp ứng yêu cầu các hoạt động trải nghiệm, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Anh Nguyễn Văn Bình, phụ huynh cho biết: Tôi nhân thấy môi trường giáo dục ở Trường mầm non Hoa Mai đã có sự chuyển biến. Trước đây, trang trí môi trường chủ yếu nhìn, ngắm, đẹp mắt nhưng bây giờ xây dựng môi trường để trẻ hoạt động, phát huy được khả năng, kích thích sự tập trung chú ý, tư duy và cảm xúc của trẻ. 

Trong qúa trình tham gia các hoạt động giáo dục tại trường, giáo viên đã phát huy được tính chủ động sáng tạo của trẻ trong quá trình sử dụng vật liệu sẵn có để làm đồ chơi, đồ dùng phong phú, đa dạng mang tính giáo dục và đảm bảo an toàn cho trẻ. Cán bộ giáo viên thiết kế và sáng tạo hơn 200 loại đồ dùng, đồ chơi và các trò chơi cho trẻ được trải nghiệm. Nhất là, có trên 80% cán bộ giáo viên có khả năng vận dụng đổi mới phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.

Tuy nhiên, theo cô Lục Hà, phương pháp lấy trẻ làm trung tâm vẫn gặp một số khó khăn. Một số giáo viên lớn tuổi, giáo viên mới vào nghề chưa có kinh nghiệm trong giảng dạy nên đôi lúc còn túng lúng lập kế hoạch cũng như áp dụng các phương pháp mới. Cơ sở vật chất xuống cấp, điều kiện để phục vụ cho chuyên đề còn hạn chế. Một số phụ huynh nhận thức chưa sâu sắc về chuyên đề, chưa phối hợp tốt cùng nhà trường và giáo viên rèn kỹ năng cho trẻ.

Bài, ảnh: Liên Minh