Mô hình nuôi cá lồng của anh Hoàng trên lòng hồ thủy điện

Ngồi ở căn chòi bên dòng sông A Sáp - nơi dẫn nước vào lòng hồ thủy điện A Lưới, anh Trần Hoàng nhớ lại lần đầu bỏ ra hơn 50 triệu đồng để thử nghiệm mô hình kinh tế mới.

Anh Hoàng kể: “Năm 2018, quyết định bỏ nghề thầu xây dựng để mua vật liệu làm lồng nuôi cá của tôi khá mạo hiểm vì chưa ai nuôi. Tiền bạc lúc đó chủ yếu từ vay mượn, nhưng được phía hồ thủy điện cho phép, nhìn thấy môi trường nước sạch, dòng chảy thường xuyên và tìm hiểu các mô hình thấy hiệu quả, mình quyết định thử nghiệm 6 lồng”.

Nỗi lo vơi đi khi năm đầu tiên, lứa cá được thu hoạch và xuất ra thị trường. Dù chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng lứa thử nghiệm đã giúp gia đình anh Hoàng thu lãi khoảng 85 triệu đồng (đã trừ các khoản chi phí). Từ sự khởi đầu thuận lợi ấy, anh Hoàng liên tiếp đầu tư thêm, đến nay mô hình của anh đã có 40 lồng cá các loại, chủ yếu là cá trê, trắm cỏ, rô đồng…

“Trung bình mỗi năm xuất bán được khoảng 10 tấn cá thịt nhờ đó kinh tế khá ổn định. Nuôi nhiều loại mới đánh giá được năng suất nhất là cá trê. Tuy đầu ra dựa vào tiểu thương trên thị trường huyện là chủ yếu nhưng cũng khá đảm bảo”, anh Hoàng phấn khởi.

Khác với nuôi cá lồng ở khu vực đồng bằng, nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện có nhiều điểm lợi. Anh Trần Quý, hộ nuôi cá lồng ở A Lưới chia sẻ, lòng hồ thủy điện có môi trường nước sạch, không ô nhiễm vì dòng nước lưu thông thường xuyên và mực nước khá ổn định. Điểm đặc biệt là có thể tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ, nhất là cỏ ở khu vực xung quanh và cá đánh bắt được.

“Có thể rớ cá vào ban đêm hoặc thời gian rảnh để kiếm nguồn thức ăn nuôi cá trong lồng, tiết kiệm được chi phí nguồn thức ăn”, anh Quý chia sẻ.

Hiệu quả của mô hình nuôi cá cũng giải quyết được vấn đề lao động cho người dân. Chị Lê Thị Thùy Hương, người dân xã Sơn Thủy tâm sự, nếu trước đây loay hoay giữa công việc nội trợ và tìm việc làm để kiếm thêm thu nhập thì từ khi mô hình nuôi cá của gia đình có hiệu quả, chị lại cùng chồng “xắn tay” vào việc phát triển kinh tế. Niềm vui không chỉ là thu nhập mà còn có việc làm hằng ngày.

Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới, việc tìm mô hình kinh tế hiệu quả giúp người dân phát triển sản xuất, làm ăn kinh tế là bài toán không đơn giản. Sau mô hình nuôi cá lồng của anh Hoàng, lãnh đạo tỉnh, huyện cùng các đơn vị chức năng đã nhiều lần đến khảo sát và khuyến khích nhân rộng bởi mô hình này mang lại triển vọng kinh tế, tạo thu nhập tốt cho người dân.

Ông Trần Ngọc Chinh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới chia sẻ, trong một lần thăm mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện A Lưới, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đánh giá cao hiệu quả mô hình này. Với diện tích mặt hồ còn nhiều, môi trường nước tốt trong khi các phụ phẩm, thức ăn cho cá từ nguồn nuôi trồng và tại nương rẫy của người dân có sẵn thì rất khuyến khích người dân phát triển nuôi cá lồng. Về lâu dài, khi mô hình phát triển hiệu quả cao, có thể nghiên cứu để nhân rộng ra các khu vực hồ thủy điện khác.

Thủy điện A Lưới là công trình thủy điện xây dựng với hồ nước ở thượng nguồn dòng sông A Sáp, người dân chủ yếu 3 xã ở khu vực này là Hồng Thượng, Hồng Thái và Quảng Nhâm có thể phát triển mô hình này.

Sau mô hình của anh Hoàng, hiện đã có thêm 8 hộ dân nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện và đang cho thấy hiệu quả. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và ngành chức năng cũng đang tạo các điều kiện thuận lợi và phù hợp, nhất là mặt kỹ thuật và tìm thêm đầu ra thị trường để hỗ trợ người dân tăng thu nhập từ một mô hình kinh tế mới, hiệu quả.

Bài, ảnh: MINH TÂM