Quang cảnh phiên khai mạc ngày 20/5. Ảnh: TTXVN

Mục tiêu là giúp doanh nghiệp gia nhập thị trường hoạt động ổn định, lâu dài; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp tốt, bảo vệ nhà đầu tư khi đầu tư vào doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau là phạm vi điều chỉnh, quy định đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Theo đó, có những ý kiến đề nghị đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp như dự thảo của Chính phủ. Song, có những ý kiến lại đề nghị không quy định hộ kinh doanh trong dự thảo Luật Doanh nghiệp mà ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.

Vai trò quan trọng trong nền kinh tế

Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV và Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội thảo luận, biểu quyết tại kỳ họp này gồm 10 chương với 219 điều, quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, nhóm công ty và hộ kinh doanh.

Dự thảo lần này cũng quy định về khái niệm doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp mà Nhà nước nắm cổ phần có quyền biểu quyết với tỷ lệ chi phối trong doanh nghiệp. Đồng thời không quy định doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có quyền phát hành trái phiếu riêng lẻ tại dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) để bảo đảm không gây rủi ro, làm ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và sự an toàn của thị trường tài chính.

Trong các vấn đề lớn tiếp tục được xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, đáng chú ý nhất là vấn đề phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (Điều 1, Điều 2 và Chương VIIa).

Dự thảo Luật đưa ra hai phương án để xin ý kiến đại biểu Quốc hội:

Phương án 1: Nhất trí đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Phương án 2: Đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.

Với những ý kiến tán thành bảo lưu quan điểm đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật, thì việc luật hóa quy định hộ kinh doanh sẽ có lợi cho cả hộ kinh doanh và nền kinh tế, đặc biệt là sẽ khơi thông nguồn lực để đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội và không chồng chéo với các luật khác. Nếu làm luật riêng về hộ kinh doanh thì kéo dài thêm mấy năm nữa, trong khi luật hóa ngay thì có lợi cho nền kinh tế, nên không nhất thiết phải cầu toàn.

Lý giải quan điểm này, có những ý kiến cho rằng: Việc chuyển đổi mô hình từ hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp không phải là mới. Vấn đề hộ kinh doanh đã được quy định tại Luật Thương mại năm 2005 và buộc phải đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp. Trong cả 3 Luật Doanh nghiệp (1999, 2005, 2014) đều quy định cụ thể định danh loại hình này dưới tư cách một tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc hộ kinh doanh là một loại hình hoạt động hợp pháp, bình đẳng với các loại hình khác như doanh nghiệp tư nhân.

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cả nước hiện có khoảng trên 5,5 triệu hộ kinh doanh, ước tính tổng tài sản khoảng trên 655 nghìn tỷ đồng, tạo ra khoảng trên 2,2 triệu tỷ đồng doanh thu, nộp 12.362 tỷ đồng tiền thuế, giải quyết 7,945 triệu lao động.

Cho nên với quy mô hàng triệu hộ sản xuất kinh doanh, không thể phủ nhận bộ phận hộ kinh doanh cá thể cùng với đội ngũ doanh nghiệp đã, đang giữ vai trò quan trọng, đóng góp to lớn vào việc tạo công ăn việc làm, cung cấp các dịch vụ cho nền kinh tế. Vì vậy, nếu đối tượng này đưa vào luật sẽ nâng cao chất lượng lao động, tạo sự chính xác, công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các loại hình kinh doanh... Hơn nữa, việc chuyển đổi mô hình từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp sẽ có tư cách pháp nhân khi giao dịch với khách hàng và khi mở rộng kinh doanh sẽ có cơ sở để vay vốn ngân hàng và mở rộng đối tác kinh doanh.

Thận trọng “doanh nghiệp hóa” hộ kinh doanh

Các quan điểm không đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật lại ủng hộ mạnh mẽ việc xây dựng một luật riêng cho hộ kinh doanh. Những ý kiến này cho rằng, bản chất hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên đưa vào Luật Doanh nghiệp thì không đúng. Hơn nữa, đặc điểm của hộ kinh doanh tại Việt Nam “không giống nước nào cả”, nên cần cân nhắc việc đưa vào Luật Doanh nghiệp.

Hộ kinh doanh được coi là một hình thức kinh doanh khác biệt với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Những quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo Luật chỉ mới giải quyết được việc kiểm soát, quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh, mặt khác có thể làm tăng rủi ro, tăng chi phí đối với việc thành lập và hoạt động của hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, dự thảo Luật chưa có quy định tạo thêm quyền tự do kinh doanh, tăng độ an toàn kinh doanh, tạo thêm thuận lợi cho hộ kinh doanh.

Vì vậy, việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo Luật dẫn đến phải mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cho một chủ thể mới và phải bổ sung đầy đủ các nội dung tương tự như quy định từ Chương 1 đến Chương 8 của Luật Doanh nghiệp hiện hành, bao gồm từ quyền thành lập, quyền và nghĩa vụ, trình tự, thủ tục thành lập, hồ sơ đăng ký, cơ quan cấp đăng ký và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý hộ kinh doanh, dừng, chấm dứt hoạt động, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh... ngay trong Luật Doanh nghiệp.

Các ý kiến phân tích số lượng về đối tượng chịu tác động là hộ kinh doanh rất lớn, cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thực tiễn và tham vấn để hoàn thiện khung khổ pháp luật tốt nhất điều chỉnh và áp dụng cho chủ thể hộ kinh doanh, tương tự như các hợp tác xã quy định tại Luật Hợp tác xã, tránh những tác động bất lợi tới hoạt động của các hộ kinh doanh.

Tại phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu băn khoăn: Dự kiến đưa vào luật quy định cho 2,5 đến 3 triệu hộ công thương, là tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh thương mại dịch vụ. Vậy còn 10 triệu hộ nông dân thì tính thế nào, có quản lý được theo luật này hay không?

Qua thực tế tìm hiểu cũng cho thấy, hiện nay các hộ kinh doanh- nhất là hộ kinh doanh tạp hóa, hàng tiêu dùng, ăn uống, giải trí, vật liệu xây dựng…, với thị trường tiêu thụ sản phẩm trong phạm vi nhỏ, số lượng lao động ít và làm theo ca có tâm lý không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Lý do, rào cản lớn nhất khi “bị đưa” lên thành doanh nghiệp là sẽ phải thực hiện các vấn đề liên quan đến Luật Quản lý thuế như mở sổ sách, thuê kế toán, lập báo cáo tài chính, lưu giữ hóa đơn, sổ sách… Bên cạnh đó, khi chuyển đổi thành doanh nghiệp thì còn phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính phức tạp hơn so với hộ kinh doanh như bảo hiểm, lao động, phòng cháy chữa cháy… và chính những thủ tục này sẽ làm gia tăng chi phí, gây khó khăn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cho rằng ở thời điểm này đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là quá sớm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định, hiện chưa phải là thời điểm chín muồi để đưa tất cả hộ kinh doanh cá thể vào Luật Doanh nghiệp, vì vừa vượt quá trình độ của cơ quan quản lý của hộ kinh doanh. Trước mắt, nên tiếp tục thực hiện tốt Nghị định số 78 năm 2015 về đăng ký doanh nghiệp; có cơ chế khuyến khích họ phát triển thành doanh nghiệp chứ không nên đưa các hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp.

Theo quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, bản chất hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên đưa vào Luật Doanh nghiệp là không đúng, không nên cưỡng ép. Nếu không đưa hộ kinh doanh vào luật thì cũng không gây ách tắc, cản trở đến hộ kinh doanh, các đối tượng này vẫn làm ăn, nộp thuế bình thường. Còn đưa vào thì không đúng bản chất, tên là Luật Doanh nghiệp thì đối tượng, phạm vi điều chỉnh phải là doanh nghiệp, vì thế nên tiến hành tổng kết thực tiễn để đề xuất làm luật riêng về hộ kinh doanh.

Theo TTXVN