1. Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, những tầng lớp nhân dân và hàng ngũ đảng viên ưu tú đã không tiếc máu xương, hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng quê hương. Khát vọng thống nhất đã trở thành mục tiêu, động lực cho họ vượt qua bom đạn kẻ thù, viết nên bản hùng ca về tinh thần, ý chí Việt Nam. Đó chính là bản lĩnh một lòng vì nước, vì dân, kiên cường, bất khuất chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Để giữ vững thành quả đó, đòi hỏi mỗi người phải biết trân quý công lao to lớn của các thế hệ cha anh đã ngã xuống cho hòa bình, độc lập của đất nước. Nhưng đáng tiếc trong đội ngũ đảng viên hiện nay, vẫn còn một bộ phận cán bộ quên mất quá khứ, không giữ được phẩm chất dẫn đến thoái hóa về chính trị, phản bội lời thề, thậm chí quay lại chống Đảng, chống lại chế độ. Thực tế đòi hỏi mỗi tổ chức đảng và đảng viên phải chủ động, tích cực “khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị...” như Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ ra. Đó chính là nâng cao bản lĩnh chính trị của đảng viên trước tình hình mới.
Nhớ lại những năm từ sau đổi mới, nhất là khi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ (1989-1991), đã có không ít cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cấp cao biểu hiện bi quan, dao động. Xuất hiện dấu hiệu xin ra khỏi Đảng, ủng hộ “đa nguyên, đa đảng”, thậm chí có kẻ trốn ra nước ngoài vì sợ nội chiến, xáo trộn chính trị trong nước. Một phần nguyên nhân có sự tác động từ bên ngoài, phá rối của các thế lực thù địch, nhưng cơ bản nhất là một bộ phận cán bộ, đảng viên không hiểu rõ tình hình, dao động về tư tưởng dẫn đến lung lay bản lĩnh chính trị.
Thực tế hơn 30 năm qua, đất nước không hề sụp đổ mà còn phát triển vững mạnh, giành được những thành tựu to lớn như ngày hôm nay. Dù vậy, những phần tử bất mãn, chống đối trong và ngoài nước không muốn đối diện sự thật, tiếp tục lấy danh nghĩa “phản biện”, “đổi mới ”, kể cả công khai chống phá Nhà nước. Họ là những người đã từng ở trong nội bộ, là đảng viên, cán bộ cao cấp thiếu bản lĩnh, bị kỷ luật sinh ra chống đối, phản bội lại lý tưởng của Đảng. Một số phần tử bất mãn, ly khai lập ra một số hội nhóm đối lập dưới danh nghĩa “góp ý”, “phản biện”, “độc lập” nhưng thực chất là chống lại đường lối, quan điểm của Đảng.
Kinh nghiệm rút ra từ sự sụp đổ của các nước là bên cạnh phương thức chống phá của các thế lực thù địch là sự thoái hóa, biến chất về đạo đức của một bộ phận đảng viên. Dưới tác động của kinh tế thị trường, có nhiều mặt tích cực nhưng cũng tác động không nhỏ đến bản lĩnh, đạo đức của người đảng viên trước cám dỗ của đồng tiền. Thực tế những năm gần đây, hàng loạt cán bộ, đảng viên sa ngã vì vật chất, chạy theo ham muốn cá nhân, buông lỏng trách nhiệm, đánh mất tính liêm sỉ... Nhiều người đã bị vật chất chi phối không giữ được lòng tham, sẵn sàng bán rẻ lợi ích của dân, của nước chỉ vì quyền lợi ích kỷ của mình. Từ tham nhũng dẫn đến bị kỷ luật, bị xử lý hình sự, từ người lãnh đạo trở thành tội phạm, từ vị trí cấp cao trở thành tội đồ của Nhân dân. Điều đó đòi hỏi phải lấy lại niềm tin, danh dự của hàng ngũ đảng viên chân chính. Đó là bài học và đòi hỏi bức thiết rút ra cho chúng ta trong giai đoạn hiện nay.
2. Xác định bản lĩnh chính trị của đảng viên phải là “rường cột” chắc chắn nhất nhằm bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng. Đảng muốn giữ được vai trò lãnh đạo thì đòi hỏi mỗi đảng viên phải nâng cao bản lĩnh, vững vàng, kiên định với mục tiêu, cương lĩnh mà Đảng ta đã vạch ra. Trong từng việc làm phải luôn có ý thức và hành động theo quan điểm, đường lối của Đảng, đặt quyền lợi của dân tộc lên trên hết. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được làm ảnh hưởng đến danh dự người đảng viên và uy tín của Đảng. Không vì quyền lợi bản thân bị động chạm mà quay lại chống Đảng, chống lại đồng chí, đồng đội của mình.
Để nâng cao bản lĩnh chính trị, mỗi đảng viên phải được bồi dưỡng nhận thức đầy đủ, khoa học về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trung thành với lợi ích của Tổ quốc, Nhân dân. Cần phải nắm vững quan điểm của Đảng, không dao động tư tưởng trước thủ đoạn phá hoại của địch, chủ động phòng ngừa “tự diễn biến - tự chuyển hóa”. Xác định nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ những thành quả đã đạt được và xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, sánh vai với các cường quốc trên thế giới.
Trong diễn văn kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “Ở Việt Nam không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách...”. Đó là khẳng định quan trọng không chỉ trước mắt mà còn là đòi hỏi lâu dài về sau cho nhiệm vụ bảo vệ Đảng, xây dựng bản lĩnh chính trị của mỗi một đảng viên.
Tương lai phía trước còn lắm chông gai, thử thách, mỗi đảng viên phải kiên định bản lĩnh chính trị để góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu trước tình hình mới.
NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH