Đại biểu Nguyễn Chí Tài cho biết, từ khi Luật Doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực, đã tạo ra những bước đột phá cho sự phát triển của doanh nghiệp (DN), tạo sự thông thoáng cho môi trường kinh doanh (KD), thu hút lượng lớn đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên với tình hình mới hiện nay, việc xuất hiện các mô hình kinh tế mới, KD thời cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ đòi hỏi phải sửa đổi Luật để nâng cấp, cải thiện chất lượng pháp lý và đáp ứng những yêu cầu hội nhập.

Nên ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh

Theo đại biểu Nguyễn Chí Tài: "Nên ban hành một luật riêng cho các hộ kinh doanh cá thể"

Theo đại biểu Nguyễn Chí Tài, về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), mặc dù đều thực hiện hoạt động kinh doanh (KD) thường xuyên nhưng về bản chất, hộ KD không phải doanh nghiệp (DN). Nếu đặt một loại hình không phải DN dưới phạm vi điều chỉnh của một đạo luật chuyên ngành mang tên “Luật DN” là không phù hợp.

Đại biểu viện dẫn: Theo dự thảo, Luật DN (sửa đổi) là đạo luật điều chỉnh các vấn đề về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và các hoạt động có liên quan của DN. Trong khi đó loại hình “hộ KD” có cơ cấu tổ chức, quản trị mang tính “nhỏ lẻ”, “gia đình”, lại bị giới hạn về tổ chức, quy mô (sử dụng dưới 10 lao động; chỉ được đăng ký KD tại một địa điểm cố định), hoàn toàn khác biệt so với các loại hình DN. Vì vậy, các vấn đề về thành lập, tổ chức quản lý, chấm dứt hoạt động của hộ KD không thể nhóm gộp với các quy định dành cho DN.

Từ những dẫn chứng nêu trên, đại biểu đề xuất nên ban hành một luật riêng về hộ KD theo quy định cụ thể hơn về khái niệm, loại hình, đối tượng được thành lập, nghĩa vụ đăng ký, chủ hộ và các thành viên, quyền và nghĩa vụ (thuế, lao động, bảo hiểm xã hội, môi trường...) của hộ KD; quy định về tạm ngừng, chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ KD; quy định về quản trị, kế toán, theo hướng đơn giản, thuận lợi về thủ tục hành chính nhằm bảo đảm vừa khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất KD của hộ KD vừa tạo sự công bằng, bình đẳng, minh bạch với DN. Hạn chế đối với hộ KD, như chỉ được đăng ký một địa điểm KD, chỉ được sử dụng dưới 10 lao động.

Khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN

Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ thăm một hộ kinh doanh cá thể tại làng hoa giấy Thanh Tiên

Về quy định các chính sách nhằm khuyến khích hộ KD chuyển đổi thành DN, bảo đảm quản lý việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, bảo hiểm... của hộ KD, theo đại biểu Nguyễn Chí Tài, vấn đề này cần có sự thống nhất với các quy định Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa về việc sửa đổi, bổ sung để xem hộ KD là một DN siêu nhỏ để có các chính sách hỗ trợ phù hợp.

Theo đại biểu, trong trường hợp nếu quy định “hộ KD” trong Luật DN thì cần phải dành cho loại hình này vị trí tương xứng, quy định rõ và đầy đủ các vấn đề về thành lập, tổ chức quản lý, chấm dứt hoạt động của hộ KD tương tự như các loại hình DN khác, không thể chỉ khái quát trong hai điều luật như dự thảo hiện nay.

Tuy nhiên, các quy định về hộ KD trong dự thảo Luật chưa đầy đủ, còn sơ sài hơn các quy định về hộ KD hiện tại tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP (ví dụ: chưa quy định về chế độ trách nhiệm của hộ KD là hữu hạn hay vô hạn). Việc quy định không đầy đủ sẽ gây nên những khó khăn trong quá trình áp dụng luật vào thực tế. Nghị định của Chính phủ chỉ được quy định chi tiết điều, khoản, điểm được quy định trong luật, trường hợp luật quy định không đầy đủ, không rõ ràng, cũng như không giao Chính phủ quy định chi tiết thi hành sẽ gây nên những khó khăn trong quá trình áp dụng luật vào thực tế.

Theo đại biểu Nguyễn Chí Tài, các quy định về hộ KD trong dự thảo Luật chưa phù hợp, cụ thể, nếu theo luật này thì người từ đủ 15 tuổi trở lên có quyền đăng ký thành lập hộ KD. Nhưng theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi là người có năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ, khi xác lập giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Do đó, cần thiết quy định một trong những điều kiện để thành lập hộ KD đối với cá nhân phải là người đăng ký thành lập phải đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Bắt buộc DN phải có con dấu

Về con dấu của doanh nghiệp, việc Luật DN (sửa đổi) quy định DN có quyền quyết định có hoặc không có con dấu là không phù hợp, vì hiện nay có nhiều văn bản từ thông tư cho tới luật đang quy định bắt buộc DN phải đóng dấu.

Trên thực tế, con dấu giữ vai trò quan trọng thể hiện dấu hiệu nhận biết của DN. Khi ký kết giao dịch nhiều đối tác, DN khác đòi hỏi DN mà họ ký kết giao dịch phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật và con dấu của DN. Lúc này không thể lúc nào đối tác yêu cầu đóng dấu thì mới đóng, còn đối tác nào không yêu cầu thì không đóng dấu. Như vậy đã tạo ra sự không thống nhất trong hoạt động của chính DN đó. Việc Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) quy định DN có quyền quyết định không có con dấu có thể còn dẫn đến nhiều vấn đề tiêu cực.

Vì những lý do trên, đại biểu Nguyễn Chí Tài đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định lại việc sử dung con dấu là bắt buộc để đảm bảo tính thống nhất trong quá trình thực hiện.

Thái Bình (lược ghi)