Tác giả của “Ô châu cận lục”, bộ sách xưa nhất viết về Thuận Hóa - Huế, ngay từ thế kỷ 16 đã có những giới thiệu đầy xúc cảm về tháp núi Linh Thái qua câu “tháp cao chót vót trên đỉnh Quy Sơn”. Quy Sơn, dân gian gọi là núi Rùa, đến đời vua Minh Mạng năm 1836 đổi thành Linh Thái Sơn và tên gọi này được dùng cho đến ngày nay. Trong tác phẩm xuất bản năm 1918, có nhắc đến hai hiện vật đế chóp tháp và chóp tháp ở núi Linh Thái mà H. Parmentier (học giả người Pháp) gọi là “hai bộ phận nóc tháp...”.

Hãy dừng lại ở bộ chóp tháp Champa Linh Thái (hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử) là hiện vật gốc độc bản, là tác phẩm nghệ thuật đặc biệt, tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử. Chóp tháp được chế tác theo biểu tượng búp sen cách điệu trên một bệ vuông có kỹ thuật cao mà không gặp ở bất kỳ hiện vật nào được biết cho đến nay trong văn hóa Champa. Bệ chóp tháp được cách điệu với tám cánh sen đang nở, tám cánh sen chia đều về tám hướng. Chóp tháp và bệ tháp Champa Linh Thái có những nét riêng biệt, hiếm gặp trong lịch sử kiến trúc đền tháp Champa ở nước ta.

Cùng với bệ thờ Vân Trạch Hòa, bộ chóp tháp Champa Linh Thái là dấu ấn còn lại của thời Cham pa trên đất Cố đô. Với việc công nhận 2 hiện vật và nhóm hiện vật là Bia “Ngự kiến Thiên Mụ Tự” (niên đại 1715) và bộ chóp tháp Champa Linh Thái (niên đại Thế kỷ XII - XIII) đã nâng tổng số hiện vật và nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia của Thừa Thiên Huế lên đến con số 35, nằm trong nhóm tỉnh, thành có số bảo vật quốc gia nhiều nhất cả nước.

Phát biểu tại buổi kiểm tra, chỉ đạo công tác di dời các hiện vật, bảo vật trong nhà về vị trí mới 268 Điện Biên Phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế cần tiếp tục thực hiện tốt các chức năng bảo tồn, đổi mới phương pháp trưng bày để phát huy tài sản vô giá hiện vật, bảo vật của các thế hệ tiền nhân để lại, đặc biệt là các bảo vật quốc gia, các hiện vật lạ, hiếm; làm tốt công tác quảng bá các hiện vật, bảo vật này trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt cần ứng dụng các công nghệ hiện đại để số hóa, lưu trữ, trưng bày các hiện vật, bảo vật tạo ra nhiều trải nghiệm mới cho du khách tham quan.

Bảo vật quốc gia là những hiện vật có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử được Nhà nước Việt Nam bảo vệ và bảo quản theo chế độ riêng biệt. Việc công nhận danh hiệu bảo vật quốc gia phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia. Sở hữu nhiều bảo vật quốc gia, do vậy là nét đặc sắc của văn hóa vùng đất và việc giữ gìn, phát huy những giá trị của những bảo vật quốc gia là vinh dự và trách nhiệm của Thừa Thiên Huế.

Đan Duy