Khi thực hiện quy định phòng chống dịch, dễ nhận thấy mỗi gia đình và xã hội có nhiều công việc, sinh hoạt hàng ngày không còn được như thường lệ. Cụm từ “cách ly” hay “giãn cách xã hội” được nhắc đi nhắc lại và cũng là cái khó thay đổi, dễ bị xem thường nhất. Thế nhưng trong thực tế đã có chuyển biến tích cực sau một thời gian ngắn. Trong công sở, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất, cửa hàng kinh doanh... không còn tập trung đông đảo, náo nhiệt như thường lệ. Thay vào đó là các cơ quan hạn chế họp hành đông người, nhiều cán bộ làm việc trực tuyến, không có những cuộc gặp gỡ, hội hè kể cả ngoài giờ làm việc. Trong mùa dịch, thủ trưởng cơ quan dù không nhắc nhở gắt gao, cán bộ, nhân viên cũng không dám đi và cũng không có nơi để hẹn hò. Cảm giác cung cách làm việc khá nghiêm túc, nề nếp hơn những ngày bình thường. Phải chăng các quy định và tính nguy hiểm của dịch bệnh đã làm mọi người e ngại, tuân thủ tốt hơn? Dù chỉ mới là bước đầu nhưng mỗi người cũng cần phải thay đổi để thích ứng mọi điều kiện trong công việc sau này. Đó cũng chính là một phần cải cách bộ máy hành chính.

Khi thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 đã có những dư luận, phản ứng trái chiều. Một số người cho rằng luật quá khắt khe khi mức phạt quá cao đối với người có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông. Không đồng tình là vì họ không còn được tự do nhậu vô tư rồi lái xe về như lâu nay. Những ông chồng sau tan sở kéo nhau từng nhóm ra hàng quán bù khú, ít thì vài chai, nhiều thì “ngoắc cần câu” mới chịu về đã không phải là hiếm. Trong đợt chống dịch này nhiều bà vợ không phải chờ chồng về ăn cơm, không phải nơm nớp lo tai nạn. Cánh đàn ông tự giác về nhà, không còn tụ tập và cũng không còn quán xá để cà kê. Chưa kể cán bộ, công chức tụ tập với nhau nếu chẳng may bị phát hiện thì án kỷ luật là cái chắc. Qua đây, thấy rằng nếu chúng ta thực hiện nghiêm các quy định sẽ có nhiều cái lợi: Đỡ tốn tiền bạc, không ảnh hưởng sức khỏe, an toàn giao thông, gia đình hạnh phúc và các tiêu cực khác sẽ bớt đi. Vậy nên, không có lý do gì phải phàn nàn.

Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều đám cưới phải hoãn lại hoặc thu hẹp trong phạm vi gia đình. Sự hạn chế khách mời không những không giảm niềm vui của gia đình hai họ, hạnh phúc cặp đôi mà còn được sự hưởng ứng, đồng tình của người thân, bạn bè. Ở nhiều nước phương Tây, họ tổ chức đám cưới đơn giản, mừng hạnh phúc cho con trẻ theo đúng nghĩa. Ngành văn hóa và một số địa phương đã đề nghị quy định đám cưới với số khách mời vừa phải nhưng không ai thực hiện, dần dần bị lãng quên. Sau đợt chống dịch này, phải chăng nên tuyên truyền, khuyến khích việc tổ chức đám cưới đơn giản, ấm cúng như trong mùa COVID-19.

Trong dịp này, công nghệ thông tin được khuyến khích trong công việc hàng ngày của nhiều cơ quan và công chức. Học sinh học online, họp trực tuyến, làm việc trên mạng tại nhà, kể cả ứng dụng robot khám bệnh, vận chuyển thay thế công việc con người vào khu cách ly. Tuy còn có nhiều khó khăn từ hạ tầng công nghệ đến phương tiện trang bị cho từng cá nhân, nhưng sẽ là mô hình cần được quan tâm phát triển trong thời gian sắp tới. Cùng với phát triển “Đô thị thông minh”, “Chính phủ điện tử” và cải cách hành chính thì áp dụng sâu rộng họp trực tuyến, làm việc trên mạng sẽ là một hình thức tốt, một “thói quen” làm việc hiện đại, văn minh, đỡ tốn kém. Đây là dịp tốt để chúng ta khuyến khích và từng bước chuyển sang chế độ làm việc lấy hiệu quả công việc làm thước đo trong cải cách hành chính. Có như vậy mới nâng cao trình độ, khả năng áp dụng công nghệ của mỗi người, có cơ chế, chính sách đầu tư cho lâu dài trong thời kỳ 4.0.

 Những quy định khắt khe trong phòng chống dịch COVID-19 đã nhận được sự đồng thuận của toàn dân. Cùng với đó, những thói quen, cách thức làm việc không phù hợp cần được từng bước xóa bỏ, tạo hiệu ứng lành mạnh hơn trong mỗi người và của toàn xã hội.

NGUYỄN AN HÒA