Người xem quan sát từng chi tiết của tác phẩm |
Réhahn là người Pháp, anh tự học chụp ảnh bằng sự trải nghiệm thực tế qua những chuyến đi đến hơn 30 quốc gia trên thế giới, nhưng nơi mà anh quyết định chọn để định cư từ năm 2011 sau hơn 10 chuyến du lịch chính là Hội An, Việt Nam.
Có lẽ nụ cười Việt Nam đã neo giữ anh ở lại chốn này, bằng chứng là trong 25 tác phẩm ảnh triển lãm “Những gương mặt” nụ cười hiện diện khắp nơi từ Mù Cang Chải, Sa Pa đến Kon Tum... - những nơi chốn anh đã đi qua, hẳn nhiên neo giữ anh bên cạnh đó, còn có cảnh đẹp, thức ăn ngon, sự thân thiện hoặc lý do cá nhân nào đó. Réhahn chụp ảnh khá tự nhiên, có cảm giác như anh cầm máy lên, thấy là chụp, sau đó chọn lựa rồi in ra triển lãm. Thực ra, không hẳn là vậy. Nhiếp ảnh đương đại chia ra hai khuynh hướng. Một là chụp có sự sắp đặt bối cảnh, trước khi chụp nhân vật được chỉnh trang lại trang phục, trang điểm mặt mày,... người ta gọi khuynh hướng này là chụp theo lối make up - trang điểm/ dàn cảnh. Ta thấy tác phẩm “không tỳ vết” đấy, nhưng nhiều khi bức ảnh trông không thật, có vẻ sân khấu. Nhiều chi tiết dàn dựng đẹp, công phu, nhưng thiếu hơi thở cuộc sống. Khuynh hướng thứ hai mà Réhahn đang theo đuổi gọi là take up - chụp tự nhiên, không sắp đặt, có tính chất thời sự báo chí. Chụp ảnh kiểu này đòi hỏi sự nắm bắt nhanh và tốc độ thao tác của người chụp.Ta thường thấy hơi thở cuộc sống “tỏa nhiệt” trong những tác phẩm ảnh loại này.
Và 25 tác phẩm trong triển lãm lần này cũng vậy, chúng hết sức sống động, tự nhiên như vốn vậy, không chút giả tạo nào. Tác giả dành tình cảm cho hai đối tượng đặc biệt - người già và trẻ em. 13 chân dung trẻ em được Réhahn nắm bắt hết sức tài tình, khi tác giả chọn bấm máy vào những khoảnh khắc biểu lộ tính con trẻ nhất như le lưỡi trêu đùa, lấp ló trốn tìm, cười hồn nhiên hoặc hờn dỗi. Trên khuôn mặt các em có khi còn đọng những giọt sương và cả mồ hôi lam lũ lấm lem nhưng không hề tắt nụ cười hay ánh mắt trong veo ngây thơ. Chân dung các cụ già lại biểu lộ sự hồn hậu, trầm ngâm, nhưng nhiều nhất vẫn là cười sảng khoái, tự nhiên. Nếp nhăn - dấu chỉ thời gian và sự từng trải được tác giả khắc ghi đẹp như những bản tranh khắc đồ họa. Tính thời sự còn thể hiện ở những khúc mía đang cắn dở, khuôn mặt lấm lem chưa lau, bàn tay che mặt còn nguyên màu chàm của cụ già người dân tộc H’mông. “Chính vẻ ngây thơ của những gương mặt này đã vượt hẳn lên trên tất cả mọi biểu lộ cảm xúc, ở đó những ánh mắt lần lượt sáng bừng lên hay trở nên u buồn. Cái nhìn của chúng ta về những ánh mắt đó liệu có giữ được dấu ấn về con người, trưởng thành của chúng ta, cái mà chúng ta nên giữ lại, một chút tâm hồn trẻ thơ trong mỗi con người”- Réhahn chia sẻ.
Qua 25 tác phẩm, điểm đọng lại ấn tượng trong tâm trí của người xem là nụ cười. Nụ cười của những khởi đầu - em bé và kết thúc/thành tựu - cụ già. Ta thấy nụ cười như là mẫu số chung của tính cách Việt. Quả đúng như một số trang tạp chí du lịch nước ngoài đã tổng kết ấn tượng về du lịch Việt Nam trong 4 chữ s: sea (biển), sand (cát, bãi cát), sunshine (ánh nắng) và smile (cười). Ba yếu tố thuộc tự nhiên, một thuộc về con người. Và điều gì xảy ra nếu trong mắt du khách, người Việt chúng ta thiếu đi nụ cười?!
Xuân Huy