Một nhà ga tàu điện ngầm ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc tiến hành khử trùng để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19. Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN

Trong một nghị quyết vừa được thông qua, Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp quốc về châu Á và Thái Bình Dương (ESCAP) đã tuyên bố “sự đoàn kết sâu sắc” với các quốc gia và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, đồng thời quyết định “theo đuổi những hành động phối hợp và quyết đoán để ngăn chặn, giảm thiểu và đánh bại đại dịch thông qua hợp tác khu vực và toàn cầu được tăng cường”.

“Ủy ban tái khẳng định tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế, cũng như khuyến khích hành động của tất cả các thành viên để thúc đẩy những biện pháp có thể củng cố sự đoàn kết toàn cầu trong việc đối phó với sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19”, nghị quyết nói thêm.

Hợp tác quốc tế và khu vực cũng được nhấn mạnh là một biện pháp nhằm tăng cường khả năng phục hồi của các quốc gia trong khu vực, liên quan đến những tác động kinh tế xã hội của đại dịch và các cuộc khủng hoảng liên quan khác.

Theo đó, sự phục hồi từ đại dịch COVID-19 mang lại cơ hội để “xây dựng lại tốt hơn” trong khu vực, bao gồm thông qua việc xây dựng các thể chế, nền kinh tế và các xã hội bình đẳng, bao trùm và bền vững hơn, tôn trọng quyền con người và kiên cường hơn khi đối mặt với bất kỳ đại dịch nào trong tương lai, cũng như các cuộc khủng hoảng liên quan khác mà khu vực này phải đối mặt, phù hợp với Chương trình nghị sự năm 2030 vì sự phát triển bền vững”.

“Xây dựng lại tốt hơn”

Tại phiên khai mạc Khoá họp thứ 76 của Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp quốc về châu Á và Thái Bình Dương (ESCAP), Tổng thư ký Liên Hiệp quốc António Guterres đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Chương trình nghị sự năm 2030 để có được một tương lai tốt đẹp hơn.

“Tôi tin chắc rằng, chúng ta có cơ hội xây dựng lại tốt hơn trên nền tảng của Chương trình nghị sự năm 2030 vì sự phát triển bền vững. Điều đó đồng nghĩa với việc tiến đến các giải pháp chung cho cuộc khủng hoảng khí hậu, bất bình đẳng kinh tế và xã hội, những hình thức bạo lực mới và những thay đổi nhanh chóng trong công nghệ và nhân khẩu học. Chúng ta có thể giải cứu hành tinh của chúng ta và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Chúng ta hãy hợp tác để làm điều đó”, Tổng thư ký António Guterres lưu ý.

Hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cũng được tái khẳng định bởi các nhà lãnh đạo từ khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, các nhà lãnh đạo cảnh báo về sự phức tạp và những mối đe dọa ngày càng tăng của đại dịch COVID-19 đối với sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, họ cũng bày tỏ sự lạc quan rằng, sự phục hồi sẽ mang đến cơ hội để tăng cường khả năng phục hồi nhanh và xây dựng một khu vực châu Á - Thái Bình Dương bình đẳng, bao trùm và bền vững hơn.

Cân bằng giữa ứng phó đại dịch với phục hồi kinh tế xã hội

Do hậu quả của đại dịch, các quốc gia đã chứng kiến ​​sự sụt giảm nghiêm trọng về tăng trưởng kinh tế và việc làm, kéo theo nhu cầu thấp, thương mại bị hạn chế và tính di động giảm.

Trong bối cảnh đó, bà Armida Salsiah Alisjahbana, Thư ký Điều hành của ESCAP nhấn mạnh 3 lĩnh vực chính để giúp cân bằng giữa các biện pháp ngăn chặn đại dịch với những biện pháp phục hồi kinh tế xã hội. Đó là bảo vệ và đầu tư vào con người và tăng cường khả năng phục hồi nhanh; hỗ trợ phục hồi kinh tế bền vững và bao trùm; đồng thời khôi phục các chuỗi cung ứng và hỗ trợ những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đáng chú ý, trong lịch sử hơn 7 thập kỷ của mình, đây là lần đầu tiên các thành viên của Ủy ban ESCAP nhóm họp trực tuyến thông qua một hội nghị trực tuyến. Khoảng 260 đại biểu đến từ 54 trong số 62 quốc gia thành viên và quốc gia thành viên liên kết của Ủy ban ESCAP đã thực hiện kết nối từ xa.

Lê Thảo (Lược dịch từ UN News)