Người đứng đầu Phái bộ phản ứng với Ebola của Liên Hợp Quốc Anthony Banbury cho biết, thế giới có nguy cơ thua cuộc trong cuộc chiến chống Ebola, dịch bệnh chết người Ebola vẫn đang ngày càng lan rộng bất chấp những nỗ lực của cộng đồng quốc tế. Ông cũng cảnh báo về sự cô lập đối với các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đồng thời nói rằng, cách tốt nhất để bảo vệ người dân trên toàn cầu là ngăn chặn dịch bệnh ở các nước Tây Phi bị ảnh hưởng nặng nhất. 

Dịch bệnh chết người Ebola vẫn đang ngày càng lan rộng

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc từ Acra, Ghana, ông Anthony Banbury cho biết, cộng động quốc tế đã có sự hỗ trợ đáng kể trong việc ngăn chặn dịch bệnh Ebola. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa đủ để khống chế một cách hiệu quả dịch bệnh chết người này.

Ông Anthony Banbury nói: “Tôi rất lo ngại rằng tất cả những nỗ lực này vẫn chưa đủ để ngăn chặn dịch bệnh Ebola. Ebola đang đi trước chúng ta, nó bỏ xa chúng ta. Nó tiến triển nhanh hơn và đang dành chiến thắng trong cuộc đua. Mỗi ngày lại có thêm nhiều người bị nhiễm, số ca nhiễm tăng theo cấp số mũ. Số người nhiễm bệnh càng cao, thì chúng ta càng khó kiểm soát nó. Nếu không nhanh chóng kiềm chế nó, số người chết chắc chắn sẽ không dừng lại”.

Ông Banbury cho biết, các nước khu vực Tây Phi cần có thêm nhiều cơ sở điều trị cũng như các phòng thí nghiệm chẩn đoán bệnh Ebola. Cộng đồng quốc tế cũng cần tăng cường hỗ trợ cả về tài chính và nhân lực cho các nước bị ảnh hưởng nặng nhất đối phó với dịch bệnh. Theo ông, cái giá phải trả cho sự thất bại trong cuộc chiến này là không thể chấp nhận được. Do đó, cộng đồng quốc tế cần phải nỗ lực hơn nữa trong các hoạt động đối phó với dịch bệnh.

Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới, kể từ khi bùng phát đến nay, trên thế giới đã có 8.914 trường hợp nhiễm virus Ebola và 4.447 ca trong đó đã tử vong. Tổ chức này cũng cảnh báo, số ca nhiễm bệnh ở khu vực Tây Phi sẽ vượt con số 9.000 trong tuần này. Trong khi đó, Trợ lý Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Bruce Aylward cho biết tỷ lệ tử vong đang không ngừng tăng lên ở 3 quốc gia ổ dịch ở Tây Phi là Liberia, Sierra Leone và Guine.

Theo ông Bruce Aylward, với đà này, đến tuần đầu tiên của tháng 12, số bệnh nhân thiệt mạng do Ebola có thể lên tới 5.000 đến 10.000 người/tuần. Mặc dù nhấn mạnh đây chỉ là con số dự báo dựa trên diễn biến thực tế của dịch bệnh hiện nay, nhưng ông Bruce Aylward cho rằng việc dự báo này là cần thiết nhằm định hướng cho cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến ngăn chặn sự lây lan của loại virus nguy hiểm này.

Ông Aylward cũng cho biết, bản đồ dịch Ebola đang ngày càng rộng: “Dịch bệnh Ebola đang tiếp tục lan rộng về mặt địa lý. Trong vài ngày qua, có thêm nhiều tỉnh, thành phố, khu vực của các nước Tây Phi ghi nhận các ca nhiễm bệnh Ebola. Điều quan trọng là chúng ra phải nhìn vào bản đồ mà dịch bệnh lan ra, nó đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Một số nước đã ghi nhận ca nhiễm bệnh bên ngoài Tây Phi”.

Trước tình hình dịch bệnh Ebola đang không ngừng lan rộng, các nước trên thế giới đã chủ động tăng cường các biện pháp đề phòng và ngăn chặn dịch bệnh. Trong ngày 15/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tiến hành một hội nghị truyền hình với các nhà lãnh đạo của Anh, Pháp, Đức và Italia để thảo luận về dịch bệnh Ebola.

Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản ngày 14/10 đã quyết định sửa đổi luật trao cho các quan chức thêm quyền hạn để ngăn chặn sự lây lan của virus Ebola cũng như các bệnh truyền nhiễm khác trong nước. Theo dự thảo, các quan chức cấp tỉnh sẽ được phép lấy mẫu máu và nước tiểu của một người mà không cần có sự đồng ý của người đó hay cơ sở y tế. Đối tượng hướng đến là người nghi vấn nhiễm Ebola, cúm gia cầm hoặc các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.

Cũng trong ngày 14/10, Anh đã bắt đầu soi chiếu những hành khách đến từ khu vực Tây Phi nhập cảnh vào nước này qua sân bay Heathrow ở London nhằm phát hiện các trường hợp mắc bệnh sớm nhất có thể. Peru và Chile cũng áp dụng các biện pháp tương tự để đề phòng dịch Ebola./.

Theo VOV