Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu trực tuyến tại diễn đàn Quốc hội

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ quan phản biện xã hội

Theo đại biểu Nguyễn Chí Tài, việc bổ sung quy định Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo VBQPPL để thống nhất với quy định của Luật MTTQ Việt Nam về hoạt động phản biện là cần thiết.

Tuy nhiên, việc quy định như dự thảo sẽ được tổ chức thực hiện phản biện xã hội đối với tất cả các VBQPPL sẽ gây khó khăn và hạn chế rất lớn khi triển khai thực hiện, đặc biệt là đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND các cấp, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ban hành. Vì ở địa phương quy trình và thời gian xây dựng và ban hành VBQPPL thường rất ngắn nhưng số lượng VBQPPL được ban hành thường rất lớn, nguồn lực cho công tác phản biện xã hội là rất khó khăn và hạn chế.

Do đó, đại biểu đề nghị quy định phản biện xã hội chỉ thực hiện đối với dự thảo VBQPPL do các cơ quan Trung ương và Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh để đảm bảo tính hiệu quả, khả thi và phù hợp với thực tiễn, đồng thời nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác phản biện.

Về bổ sung thẩm quyền quy định thủ tục hành chính (TTHC) trong Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh đại biểu cho rằng là rất hợp lý và cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế HĐND tỉnh có thể ban hành TTHC ngay trong dự thảo nghị quyết hoặc giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh quy định TTHC để triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh mà không trực tiếp quy định TTHC trong nghị quyết của HĐND.

Thành lập tổ công tác liên ngành soạn thảo nghị quyết liên tịch

Đại biểu tham dự tại điểm cầu Thừa Thiên Huế

Về trình tự xem xét, thông qua dự án luật, dự thảo nghị quyết tại hai kỳ họp Quốc hội, Luật Ban hành VBQPPL hiện hành quy định trình tự xem xét, thông qua dự án luật, dự thảo nghị quyết đã cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng pháp luật; chất lượng văn bản được ban hành được nâng cao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số cơ quan trình dự án, dự thảo chưa quan tâm nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của ĐBQH; việc tiếp thu, giải trình chưa toàn diện, khách quan. Để nâng cao chất lượng các dự án luật. Đại biểu đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định tại kỳ họp thứ hai cho phù hợp với luật định.

Về xây dựng, ban hành nghị quyết liên tịch, đại biểu đề nghị nên thành lập tổ công tác liên ngành (Ủy ban Thường vụ Quốc hội-UBTVQH, MTTQ Việt Nam, cơ quan của Chính phủ…) để soạn thảo nghị quyết liên tịch bảo đảm tính toàn diện của văn bản. đồng thời, đề nghị không quy định việc thẩm định, thẩm tra văn bản của các chủ thể này ban hành, bởi vì Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định các văn bản của UBTVQH trình Quốc hội thì không thẩm tra; mặt khác đây là văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của UBTVQH (tập thể) mà việc thẩm tra thuộc một hoặc một số Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc. Hơn nữa, chủ thể MTTQ Việt Nam là chủ thể có quyền tham gia phản biện xã hội đối với văn bản quy phạm pháp luật, cho nên việc quy định: “Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ; Hội đồng dân tộc, UBTVQH thẩm tra trước khi trình UBTVQH” là không cần thiết.

Về thẩm định dự thảo quyết định của UBND cấp tỉnh, đại biểu tán thành quy định của dự thảo Luật. Tuy nhiên, để đơn giản hóa, giảm thời gian, chi phí trong công tác thẩm định, đại biểu đề nghị rà soát một số trường hợp không cần thiết phải thành lập hội đồng tư vấn thẩm định. Ví dụ: như trường hợp Sở Tư pháp chủ trì soạn thảo văn bản để UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền.

Đại biểu cũng đề nghị nên quy định thời gian gắn với thời gian trình kỳ họp HĐND để bảo đảm thời gian phục vụ cho việc thẩm tra, nghiên cứu của Đại biểu HĐND trước khi ban hành. Tránh trường hợp trình UBND thì đúng thời gian quy định nhưng trình kỳ họp HĐND thì chậm.

Thái Bình (lược ghi)