Đường tre cán giáo vừa được trồng trên đường Lê Văn Hưu giữa hồ Tịnh Tâm
Tại thời điểm kiểm tra, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang triển khai trồng tre dọc hai bên đường Lê Văn Hưu (đê Kim Oanh), đồng thời làm kè tre để giữ đất, chống sạt lở.
Ông Võ Lê Nhật - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, đây là giải pháp tạm thời để giữ đất 2 bên vỉa hè cũng như tạo cảnh quan khu vực hồ, sau này sẽ triển khai nghiên cứu tổng thể để có giải pháp tu bổ và tôn tạo hợp lý, mang tính lâu dài và bền vững.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đánh giá cao việc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã triển khai các giải pháp nhằm chỉnh trang khu vực hồ Tịnh Tâm, khắc phục nguy cơ ô nhiễm môi trường, lấn chiếm hồ.
Sau khi khảo sát xung quanh hồ, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị UBND TP. Huế đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân không xả rác thải xuống hồ, bảo vệ môi trường khu dân cư. Kết hợp ra quân Ngày Chủ nhật xanh để làm vệ sinh môi trường xung quanh hồ. Có kế hoạch xử lý hệ thống nước thải, cải thiện môi trường nước hồ Tịnh Tâm.
"Hồ Tịnh Tâm là một danh thắng nổi tiếng của Huế, việc bảo tồn và phát huy giá trị của hồ là việc làm cần thiết để nơi đây trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách và người dân. Việc phục hồi và tu bổ phải tôn trọng tối đa tính nguyên gốc của các yếu tố cấu thành di tích, hạn chế sử dụng các biện pháp can thiệp vào yếu tố gốc làm thay đổi các giá trị của di tích. Việc làm trước mắt và cần làm ngay là phải tập trung xử lý nước thải và cải tạo môi trường; khi người dân có ý thức bảo vệ di sản thì việc phục hồi và tôn tạo mới có ý nghĩa", Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Tin, ảnh: Thái Bình