Cung đường thơ mộng dọc theo bờ sông Hương – một trong những không gian công cộng, điểm đến của người dân và du khách ngập tràn trong cây xanh

 

Trải qua hàng ngàn năm, ngày nay sông Hương chảy vào giữa lòng TP. Huế đang được điểm tô, tạo nên một không gian sang trọng nhưng không kém phần lãng mạn. Hơn hết, đó là không gian công cộng mà bất cứ cư dân Huế hay du khách nào đến đây cũng có thể cảm nhận giá trị của sự bình yên để hít thở không khí trong lành.

Việc chỉnh trang, quy hoạch dọc hai bờ sông Hương bao giờ cũng được tính tới một cách bài bản trong sự phát triển bền vững. Việc chỉnh trang đó được hiện thực hóa qua những con đường chạy dọc dưới những hàng cây xanh mát như “lá phổi xanh” nuôi dưỡng tâm hồn phố thị.

 

Đường dọc sông Hương ở phía bờ Bắc sông Hương, chạy song song với đường Lê Duẩn, xuyên qua những hàng cây thoáng mát nhìn vào bên trong không gian di sản cổ kính. Người dân, du khách ngồi dưới những thảm cỏ thích thú trò chuyện, cười đùa. “Không gian hai bên bờ sông Hương quá tuyệt vời. Dòng sông thơ mộng chảy qua đô thị di sản vốn đã ấn tượng, thì nay chính những con người của Huế đã làm cho không gian này trở nên sang trọng hơn, đậm chất Huế, và chỉ có ở riêng Huế” – anh Trần Anh Sơn, 29 tuổi, người Huế sống ở TP. Hồ Chí Minh nói với giọng tự hào.

Đi nhiều nơi, thấy nhiều cảnh đẹp trên thế giới, nhưng mỗi lần về quê mẹ, anh Sơn lại dành riêng cho bản thân những buổi chiều để ngắm Huế bên dòng sông Hương, dưới những tán cây mà anh thường gọi “rừng trong phố”. Cứ thế, cho đến khi nhìn về hướng thượng nguồn sông Hương, ánh hoàng hồn khuất dần hướng núi.

 

Sáng sớm hay chiều tà ở cung đường này, bất kể người già, em nhỏ, du khách… ai ai cũng tìm đến đi bộ dọc hai bờ sông Hương để vui chơi, tập thể dục. Nhiều gia đình trải những tấm thảm dưới cỏ, hướng ra sông Hương để ngắm cảnh. Khung cảnh bình yên đến lạ kỳ. Vì thế, dù bận rộn cỡ nào, nhiều người đều tranh thủ tìm đến không gian này hưởng thụ những phút giây thư giãn, thả hồn sau những bề bộn công việc, cuộc sống.

 

 

Trước kia, đoạn từ cầu Trường Tiền lên cầu Phú Xuân được đầu tư, khu vực này trở nên khang trang, các khu vực còn lại có vẻ u tối nhếch nhác nên ai cũng ngại đến. 2 năm trở lại đây, mọi thứ thay đổi một cách nhanh chóng, đặc biệt khu vực bờ Bắc sông Hương đã được chỉnh trang rất đẹp, tạo ra sự hài hòa, tôn vinh thêm vẻ đẹp cho Huế. Rất nhiều lời khen ngợi đã dành cho con đường này và cách mà con người đã nâng niu, làm đẹp cho không gian giữa lòng phố thị.

 

Không phải đến bây giờ, chính quyền mới dốc sức cho việc tôn tạo, bảo vệ cảnh quan, tạo ra không gian công cộng cho người dân ở hai bên bờ sông Hương. Từ xa xưa, khi chọn Huế làm kinh đô và xây dựng kinh thành, triều Nguyễn đã rất chú trọng đến yếu tố phong thủy, sông Hương được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Cho đến khi người Pháp xuất hiện, xây dựng các công trình ở bờ Nam sông Hương vẫn dành hẳn dải đất dọc theo sông Hương chảy qua trung tâm đô thị chỉ để trồng cây xanh, thảm cỏ.

Sau thành công của con đường ven sông Hương hiện tại, UBND TP. Huế đang tiến hành mở thêm tuyến đường nối dài. Phía Nam kéo lên đường Huyền Trân Công Chúa và phía Bắc kéo lên đến chùa Thiên Mụ

 

Đến bây giờ, hai bờ sông Hương mặc nhiên là đất công cộng. Trong rất nhiều quy hoạch cho tương lai, dải đất hai bên bờ sông ấy vẫn chỉ dành cho công viên, cho tất cả người dân, cộng đồng… Sau thành công ở hai con đường dọc sông kéo dài từ phía trung tâm lên đến cầu Dã Viên, UBND TP. Huế đang tiến hành các bước để triển khai dự án, phía bờ Nam kéo dài nối tiếp lên tận đường Huyền Trân Công Chúa, phía bờ Bắc đối diện sẽ dừng lại ở chùa Thiên Mụ. Chiều dài cho hai tuyến đường đường dọc sông này dài khoảng 4km với kinh phí đầu tư khoảng 120 tỷ ở bờ Nam và 35 tỷ ở bờ Bắc. Trong đó, gồm các hạng mục như thảm mặt đường, đầu tư hệ thống điện chiếu sáng kết hợp trang trí, hệ thống thoát nước mưa, lan can, bổ sung cây xanh thảm cỏ…

Ông Lê Như Chinh, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế nhìn nhận sông Hương chạy qua trung tâm TP. Huế với hệ thống cây xanh, thảm cỏ đã được tạo hóa ưu ái ban cho vẻ đẹp riêng biệt khiến dòng sông thơ mộng này không giống với các con sông trên thế giới. Vì thế, quá trình cải tạo, chỉnh trang cung đường dọc theo sông Hương không mấy khó khăn, chỉ cần tôn trọng yếu tố tự nhiên. “Con đường mòn đã có sẵn, đoạn nào cần mở rộng thì mình mở rộng. Hạn chế tối đa việc chặt hạ các cây lớn, thay vào đó trồng thêm nhiều loài hoa, điểm tô cho không gian hai bên bờ sông Hương vốn đã đẹp trở nên lung linh, cuốn hút hơn”, ông Chinh chia sẻ.

 

Theo ông Chinh, từ thành công của việc chỉnh trang cung đường dọc hai bên bờ sông Hương sắp tới việc nối dài tuyến đường đi bộ từ Dã Viên ngược lên phía trên sẽ rất thuận lợi. Thuận lợi không chỉ có không gian tự nhiên vốn đẹp mà còn sự ủng hộ từ người dân, du khách khi làm cho cung đường dọc sông Hương trở nên dài ra, thoáng hơn, đẹp hơn… “Hiện nay, chúng tôi đã chuẩn bị triển khai. Hy vọng, chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi, mọi người sẽ thấy cung đường dọc theo sông Hương kéo dài lên tận chùa Thiên Mụ sẽ trở nên thơ mộng hơn, với cây xanh hoa lá rợp trời, tạo nên một không gian vô cùng thú vị”, ông Chinh khẳng định.

Ông Hoàng Hải Minh – Chủ tịch UBND TP. Huế cho rằng, không riêng gì con đường dọc hai bờ sông Hương hiện diện, sắp tới khi thực hiện dự án nối dài từ cầu Dã Viên lên đường Huyền Trân Công Chúa và phía đối diện kéo lên đến chùa Thiên Mụ sẽ chú trọng đến yếu tố giữ nguyên cảnh quan tự nhiên với các hệ thống bãi cỏ, cây xanh chạy dọc theo sông…

Về cơ bản, chỉnh trang đường đi bộ phía ở bờ Bắc khá thuận lợi. Riêng ở bờ Nam có một vài hộ dân đang sinh sống thuộc phường Phường Đúc, UBND thành phố sẽ làm việc và có phương án tái định cư các hộ này ra khu vực Bàu Vá gần đó.

Một khi tuyến đường ven sông Hương nối dài hoàn thành, người dân, du khách sẽ có cơ hội vui chơi, giải trí dưới những tán cây xanh rất ấn tượng

 

Theo ông Minh, để có được cung đường dọc sông Hương đẹp như thế, chính quyền TP. Huế căn cứ vào quy hoạch chung hai bên bờ sông Hương, đoạn từ Lăng Gia Long  đến cửa Thuận An, cũng như quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương được các chuyên gia của Chính phủ Hàn Quốc nghiên cứu, tài trợ thông qua tổ chức KOICA. “Mục tiêu là làm sao dọc hai bên bờ sông giữ lại được các bãi cỏ, cảnh quan tự nhiên, hình thành tuyến đường đi bộ cho người dân và du khách, tránh tình trạng lấn chiếm bờ sông”, ông Minh chia sẻ.

Khi tiến hành thực hiện dự án, quan điểm của chính quyền thành phố bằng mọi giá phải giữ, tránh ảnh hưởng đến các cây xanh, đặc biệt cây lớn. Đoạn nào dính cây lớn có thể lách, những đoạch lách ấy tạo nên một “đảo” nhỏ sẽ được nghiên cứu để trồng hoa tạo nên điểm nhấn mới lạ, hay bố trí các dụng cụ tập thể dục để người dân đến công viên luyện tập. “Đó cũng là cách biến tấu cho không gian của tuyến đường đi bộ. Vừa tạo ra điểm mới lạ, vừa tránh được sự nhàm chán cho người dân, du khách”, ông Minh lý giải.

 

Một việc quan trọng không kém đo là việc cắt tỉa cây xanh để tạo nên vẻ đẹp hoàn hảo cho cung đường dọc sông Hương. Việc cắt tỉa này dựa trên nguyên tắc 4m từ dưới gốc trở lên, không chỉ giữ được mảng xanh “rừng trong phố” mà còn tạo ra sự thoáng đãng. Người đi bộ có thể ngắm sông, người dưới sông có thể ngắm xuyên qua các rừng cây, thấy rõ được sự năng động của đô thị…

Bên cạnh đó, UBND TP. Huế cũng đang nghiên cứu, tính toán đưa các tiện ích đô thị khác vào trong công viên cũng như khảo sát, hình thành nên các điểm đậu, đỗ xe công cộng dọc theo bờ sông Hương để phục vụ người dân. Xa hơn, sẽ định hình cung đường dọc sông với công viên lân cận gắn với khu vui chơi giải trí, quảng trường, nơi tổ chức các sự kiện, lễ hội ngoài trời… với các tiêu chí thân thiện môi trường, an toàn trước những biến đổi của khí hậu.

 

 

 

 

 

Nội dung: Phan Thành

Hình ảnh: Phan Thành-Thanh Toàn-Ngọc Minh

Video: Thanh Toàn

Thiết kế: Quang Thiều