Khách hàng rất tin tưởng vào tay nghề của anh Phạm Dũng

Học may để mưu sinh

 “Trước đây, tôi không hề tự tin vào bản thân, vì đang lành lặn lại bị mất một chân”, anh Dũng kể. Thời điểm ấy, chỉ trong tích tắc, anh Phạm Dũng mất chân trái do bom đạn. Ham học, Dũng vẫn cố gắng đến trường, nhưng thương tật không cho anh chịu nổi con đường 5km lúc trời mưa thì lầy lội, trơn trượt, trời nắng lại hanh hao, mịt mùng bụi mù. Cậu bé Dũng đành phải bỏ cuộc giữa chừng sau một năm cố gắng.

Gia đình thương người con lận đận, các anh em mỗi người góp một phần tiền, mong Dũng có thể tìm được nghề phù hợp. Thế là anh lên thành phố, tìm thầy học may, mong cuộc sống ổn định hơn.

Đi học vấp, ngã thì nhờ người đỡ, nhưng đã chọn học may thì anh Dũng phải tự thân chiến đấu. Vì thông thường, chân phải mỏi, người may chuyển sang chân trái, đôi chân nhịp nhàng, hỗ trợ nhau. Nhưng ở anh, một chân không còn, lúc chân mỏi, tê tái, đau đớn, anh không được phép dừng lại hay ngơi nghỉ.

Phạm Dũng phải nỗ lực gấp hai, gấp ba, gấp nhiều lần người khác. Hôm nay anh đạp một tiếng, thì ngày mai tăng thêm mười lăm phút. Mục đích duy nhất là rèn cho chân dẻo, quen với những chiếc máy khâu thủ công. Chẳng phụ công luyện rèn, lâu dần, một chân phải của anh đã làm phần việc của hai chân. Chiếc bàn đạp kỳ cạch mãi cũng đều đặn theo nhịp chân của người thợ may khuyết tật.

Sau ba năm chăm chỉ học, anh Phạm Dũng “ra nghề”, có thể cắt, may nhiều loại áo quần. Tay nghề khá, lại siêng năng, anh được nhiều nhà may biết tiếng, mời về làm. Sau 20 năm bươn chải, Phạm Dũng tự tin ra riêng, trở về quê hương lập nghiệp. Chẳng ngờ, anh vấp ngay khó khăn mà khi kể lại với chúng tôi, người đàn ông sinh năm 1962 vẫn còn bàng hoàng: Trận lụt lịch sử năm 1999!

Vượt khó, giúp người

Anh Dũng nhớ lại, “nhà may của tôi lúc ấy chỉ vừa khai trương được 20 ngày. Đó là mồ hôi, vốn liếng, công sức sau 20 năm chăm làm nghề”. Lụt lên nhanh, nhà may của anh ngập chìm trong biển nước. Tấm biển hiệu còn thơm mùi sơn chỉ còn loang loáng. Lũ rút, anh Dũng như đổ gục vì ma-nơ-canh, vải, kim chỉ, dụng cụ, tất cả đều ngập trong bùn. “Nhìn cảnh của nhà may mà tôi nuốt ngược nước mắt vào trong”, anh bồi hồi kể.

Thế rồi anh Dũng cũng vực dậy, như cái cách anh phủi bụi, bùn bám trên người lúc té ngã trên con đường đến trường, như lúc người khác đã ngủ nhưng anh vẫn gò lưng bên bàn máy may. Thu vén lại cơ ngơi, anh chăm chỉ làm, thế rồi khách hàng và đơn hàng liên tục đến, anh thuê thêm thợ để nhận thêm việc.

Cũng từ đó, Phạm Dũng dạy may cho người khác. Đồng cảm, hiểu cái khó của người học, nhiều học trò khuyết tật được anh dạy miễn phí. “Để họ cũng có cái nghề, có thể tự nuôi sống bản thân, tàn nhưng không phế”, anh chia sẻ. Đến nay, đã có trên 10 học trò khuyết tật được anh tận tình chỉ dạy. Từ đó, họ có nghề nghiệp ổn định. Anh Phạm Sơn, một thợ may khuyết tật xúc động: “Hai chân bị bại liệt nên tôi không thể đi đứng, làm việc bình thường. Cũng nhờ thầy Dũng chỉ dạy mà tôi học được nghề may. Giờ có nghề trong tay nên dù vất vả nhưng vẫn có thể nuôi bản thân và gia đình”.

Ông Hồ Xê, Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Quảng Điền, cho biết: “Không chỉ vượt khó vươn lên, anh Phạm Dũng còn dạy nghề cho những người có cùng cảnh ngộ và tạo việc làm cho người khác. Đó là nghị lực phi thường, cũng là tinh thần nhân ái rất đáng tuyên dương của một người khuyết tật”. Hiện tại, công việc làm ăn của anh Phạm Dũng rất thuận lợi, tiệm may mỗi tháng thu lãi hơn 10 triệu đồng. Năm lao động làm việc cho anh mỗi tháng thu nhập từ  6 - 7 triệu đồng.

Bài, ảnh: Mai Huế