Họa sĩ Trần Thanh Bình (nguyên Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế)

Họa sĩ chia sẻ: Gallery không chỉ bày bán tranh như cửa hàng, nếu là gallery chuyên nghiệp thì phải tổ chức triển lãm để giới thiệu tác giả mới, thu hút khách đến mua… Các gallery ở Huế gần như không có hoạt động này.

Là cái nôi mỹ thuật nhưng sao đến bây giờ Huế vẫn chưa có thị trường tranh?

Sân bay Phú Bài chưa phải ở tầm quốc tế nên việc trung chuyển một bức tranh cũng không đơn giản đối với khách. Việc quảng bá, liên kết các tổ chức, lĩnh vực tương tác lẫn nhau, như: truyền thông báo chí, quảng bá, phê bình mỹ thuật, nhà đầu tư, nhà môi giới… ở Huế đều rời rạc. Huế chưa có nhà tổ chức chuyên nghiệp, chưa có nhà sưu tập, nhà giám tuyển để phát hiện những tác giả, tác phẩm mới. Vấn đề truyền thông cũng mới chỉ mang tính đưa tin báo chí.

Vắng khách, thỉnh thoảng, nhân viên của gallery Ta lại sắp xếp, ngắm tranh và… phủi bụi cho đỡ buồn

Để hình thành thị trường tranh, bản thân tranh của hoạ sĩ phải được người ta thích. Dù anh ở đâu mà tranh của anh được yêu thích thì họ sẽ tìm đến mua. Hoạ sĩ Huế đông nhưng chưa mạnh. Các hoạ sĩ đơn thân độc mã để lao động nhiều hơn là tập hợp nên ít có những nhóm hoạ sĩ đồng quan niệm, tư tưởng nghệ thuật để cùng có những kế hoạch, dự án sáng tác tạo sự đột phá.

Ưu điểm của hoạ sĩ Huế là thực sự sáng tác cho họ, không bị chạy theo đồng tiền. Thế nên, ở Huế, tranh chép, tranh nhái rất ít. Hoạ sĩ nào cũng có tranh của mình, không muốn giống ai. Tuy nhiên, điều đó cũng tạo ra những hạn chế. Trừ một số người phải sống bằng tranh, các hoạ sĩ không đầu tư cho việc bán tranh. Những kế hoạch, dự định mà họ đầu tư cho một cuộc triển lãm để bán được tranh gần như là số 0. Hoạ sĩ phải tự thân vận động, vẽ tranh rồi tự đi xin giấy phép triển lãm, thuê người treo tranh… Những điều này làm cho sự hiện hữu tên tuổi của hoạ sĩ qua triển lãm mờ nhạt, đóng gói trong phạm vi hẹp của những người cùng giới với nhau.

Làm thế nào để hình thành và đưa thị trường tranh phát triển?

Trước hết, hoạ sĩ phải thay đổi tư duy cả trong nghệ thuật và cách tiếp cận thị trường. Phải ý thức được hoạt động nghề nghiệp của mình không chỉ đóng gói trong việc triển lãm mà cần có tác động xa hơn nữa, dù không đặt tài chính như một mục đích tiên quyết nhưng cũng không nên coi thường nó.

Các cơ quan chức năng phải xây dựng môi trường thẩm mỹ tầm chiến lược, gắn hoạt động của thị trường mỹ thuật Huế với mọi hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Các gallery cần có sự đầu tư chuyên nghiệp và cũng nên nghĩ đến việc xây dựng sản phẩm du lịch mỹ thuật, tức là đưa khách đến thăm các hoạ sĩ, các xưởng hoạ, phòng tranh, hoạ thất để xem các hoạ sĩ sáng tác, triển lãm, mua tranh…

Nguyệt Tú (thực hiện)